Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 21/06/2024, 06:00 (GMT+7)

Lối thoát nào cho báo in thời chuyển đổi số?

Dù vẫn giữ cho mình một giá trị bền vững trong lòng độc giả, song, báo in đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại công nghệ số bùng nổ. Chuyển đổi số báo chí nói chung và chuyển đổi mô hình hoạt động cơ quan báo chí in là nhu cầu vô cùng cấp thiết và mang tính chất sống còn.

Giá trị bền vững của báo in

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã có ngót một thế kỷ và báo in là loại hình báo chí đầu tiên xuất hiện. Với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, báo chí điện tử ngày càng phát triển, đẩy các cơ quan báo in vào thế khó. Nhiều tờ nhật báo lớn không chỉ phải cắt giảm số lượng phát hành mà còn giảm số kỳ, thậm chí “lùi xuống” thành tuần báo, tuần báo “lùi xuống” xuất bản hàng tháng. Cùng với đó là áp lực doanh thu đè nặng, nguồn thu từ quảng cáo trên báo chí nói chung và báo chí in ngày càng khó khăn.

Bia-thang-3-2-1-copy-e1655522606678

Mặc dù ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về số lượng báo in dừng xuất bản nhưng hầu hết các cơ quan báo chí đều đã chuyển sang đa loại hình, trong đó nổi bật là kênh xuất bản điện tử.

Lợi thế của báo và trang tin điện tử là đọc nhanh và thuận tiện, nhưng trước những vấn đề lớn, những chuỗi bài chuyên đề, những bài dạng magazine cần đọc một cách nghiêm túc, lật đi lật lại để hiểu các góc độ thông tin, các phân tích bình luận và tổng hợp, xâu chuỗi các nội dung phức tạp thành nhận định riêng cho độc giả thì báo in vẫn là lựa chọn hấp dẫn.

Thế mạnh của ấn phẩm điện tử tuy chiếm lĩnh mảng đọc nhanh nhưng nhóm kiến thức chuyên sâu như tạp chí khoa học, kiến thức chuyên ngành vẫn được đánh giá khá cao và được nhiều độc giả đón nhận. Báo in vẫn giữ được nét đẹp riêng bằng những trải nghiệm đọc đầy thư giãn.

bao-chi-truyen-thong-trong-xu-the-chuyen-doi-so

Tiến sĩ Lê Vũ Điệp - giảng viên khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - cho rằng, báo in sẽ phát triển theo hướng trở thành một sản phẩm đặc thù - tức là được cung cấp theo nhu cầu đặc thù của độc giả. Một bộ phận công chúng có nhu cầu đọc báo in có thể đặt hàng và sẵn sàng trả phí để được sở hữu tờ báo.

Báo in - khác với các loại hình báo chí khác, tồn tại dạng vật chất, do vậy sẽ trở nên đặc biệt trong thời đại 4.0 khi phần đông công chúng lựa chọn tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại hơn, tiện dụng hơn, nhanh hơn...

Cũng vì tính đặc thù nên độc giả báo in hoàn toàn có thể đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn với các sản phẩm báo in mà họ trả phí, chẳng hạn như phải đẹp hơn, mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn, có thể bảo tồn dưới dạng sưu tập…

digital-transformation

Độc giả của báo in là những người đọc chậm và kỹ lưỡng. Thông tin trên báo in đòi hỏi phải có chiều sâu, thậm chí thông tin rất sâu. Nhà báo tác nghiệp cho báo in, do vậy, có thể phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nhìn từ góc độ kinh tế báo chí, cơ quan báo in có thể cân nhắc hướng đi của một dòng sản phẩm đẳng cấp thay vì giá rẻ.

Tiến sĩ Lê Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chia sẻ, vẫn có nhiều chuyên gia báo chí - truyền thông tin tưởng vào giá trị cốt lõi và bền vững của báo in. Họ cho rằng, môi trường truyền thông xã hội càng ồn ào, phức tạp, càng nhiều tin giả và suy giảm uy tín thì càng có lợi cho báo in, giúp loại hình báo chí này khẳng định được giá trị về sự chính xác, độ tin cậy.

Chuyển đổi mô hình - Quyết định mang tính chất sống còn

Tại Việt Nam, tương lai của báo in gắn với sự dịch chuyển và thay đổi cách thức hoạt động, phương thức thể hiện của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số. Bối cảnh này đặt ra bài toán cho các cơ quan báo in phải có chiến lược phù hợp, đổi mới tư duy về phát triển nội dung thông tin, về mô hình tòa soạn cũng như mô hình kinh doanh, phát hành, hướng tiếp cận công chúng và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động báo chí...

Không có phương pháp tiếp thu thông tin nào biến mất hoàn toàn, những phương cách cũ sẽ bị chia sẻ bởi các phương cách mới và nếu chậm chân thì sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh. Những sản phẩm truyền thống cũng sẽ phải thay đổi, phát huy thế mạnh cho phù hợp với công nghệ, thói quen tiêu dùng mới nếu không muốn công chúng “quay lưng”

cds-bao-chi-emag-01

Không thể phủ nhận rằng báo in đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Rất nhiều cơ quan báo chí phát hành song song cả báo/tạp chí in và điện tử. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại không chỉ là biểu hiện của sự tiến bộ mà còn là sự cần thiết để bảo vệ và tôn vinh những giá trị của quá khứ trong thế giới hiện đại.

Chuyển đổi số báo chí nói chung và chuyển đổi mô hình hoạt động cơ quan báo chí in là nhu cầu vô cùng cấp thiết và mang tính chất sống còn. Trước thực tiễn này, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là “Chiến lược”).

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

318667_318667Chuyendoisotrongbao_1627014306

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Về phát triển các sản phẩm báo chí số, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

Để phát triển nền tảng số, Chiến lược xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử.

Bên cạnh đó, Chiến lược xác định thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.

Chuyển đổi số - Chuyển đổi tư duy

Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí thời gian gần đây, nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, tuy đã có một số cơ quan báo chí đạt được những thành tựu bước đầu, song cần thẳng thắn thừa nhận rằng tiến trình chuyển đổi số báo chí khá chậm chạp.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số như thế nào và đạt được kết quả ra sao thuộc thẩm quyền và quyết tâm của từng tòa soạn. Nếu đòi hỏi chuyển đổi số không xuất phát từ nhu cầu tự thân của từng tòa soạn thì mọi mục tiêu đều chỉ là con số.

“Độc giả đã ‘di cư’ lên nền tảng số rồi, nếu báo chí không hiện diện ở đó thì phục vụ ai, thực hiện chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thế nào? Không phục vụ được công chúng, độc giả thì sự tồn tại của một cơ quan báo chí không còn giá trị. Vậy nên đừng loay hoay với việc có đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra hay không, mà hãy trả lời câu hỏi sát sườn hơn là tờ báo của mình có tồn tại được hay không” - nhà báo Lê Quốc Minh nêu quan điểm.

le-quoc-minh-2
Nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Theo ông Minh, công nghệ đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số nói chung cũng như chuyển đổi số báo chí nói riêng. Song, công nghệ hay tiền bạc chỉ là công cụ, chuyển đổi số cũng chỉ là phương tiện giúp chúng ta đạt được mục đích cuối cùng là đưa thông tin đến được với độc giả, khán - thính giả.

“Nội dung báo chí có hay mấy đi chăng nữa thì cũng không thể niệm câu thần chú ‘hữu xạ tự nhiên hương’ khi một bông hoa thơm ngát có khả năng bị bủa vây bởi một rừng hoa. Ngược lại, các tập đoàn công nghệ giàu có muốn đầu tư vào báo chí thì phải đầu tư vào chính những con người bằng xương bằng thịt chứ không thể chỉ dùng máy móc” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho hay.

Đáng chú ý, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công.

“Chắc chắn là một ban lãnh đạo - dù tài giỏi hay yếu kém - đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu bằng việc lựa chọn và phát triển các lãnh đạo cấp cao nhất” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

le-quoc-minh-1

Cùng với chuyển đổi nội dung, theo ông Lê Quốc Minh, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên…

“Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả” - ông Minh cho hay.

Cùng chuyên mục