Người người nhà nhà livestream tiền tỷ, miếng bánh ngọt có thực sự dễ ‘xơi’?
Các phiên livestream có doanh thu cao ngất ngưởng ngày càng nhiều khiến câu hỏi được đặt ra ở đây là kiếm tiền tỷ từ livestream bán hàng có thật sự dễ dàng?
Tốc độ phát triển chóng mặt của ngành thương mại điện tử Việt Nam đã khiến những phiên livestream chục tỷ, trăm tỉ xuất hiện ngày càng nhiều. Đây được xem là cơ hội tiềm năng để phát triển doanh số bán hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, kiếm tiền tỷ từ livestream bán hàng có thật sự dễ dàng đến vậy?
Những phiên livestream đạt thành tích “vô tiền khoáng hậu”
Tháng 3/2024, Quyền Leo Daily – một tài khoản Tiktok nổi tiếng đã gây xôn xao cộng đồng mạng khi đạt doanh thu hơn 75 tỷ đồng trong một phiên livestream liên tục 13 giờ, lập kỷ lục ấn tượng trong ngành thương mại điện tử. Đến tháng 5, Quyền Leo Daily tiếp tục gây sốc với phiên Mega Live đạt doanh thu 100 tỷ, thông tin này lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội. Trước đó, kênh này cũng đã có nhiều phiên live doanh thu từ 10 tỷ đến 75 tỷ đồng, một trong những con số “khủng” trong ngành thương mại điện tử Việt Nam.
Tiktoker Hà Linh – một KOL được mệnh danh là “chiến thần review” cũng có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu tiền tỷ. Ngày 15/5/2024, KOL này tổ chức phiên Mega Live với hơn 100.000 người xem tại cùng một thời điểm. Dù không công bố doanh thu cụ thể, “chiến thần” Hà Linh cho biết đội ngũ của cô đã đạt 100% GMV (tổng giá trị hàng hóa/dịch vụ bán qua kênh thương mại điện tử) chỉ trong 2 tiếng đầu tiên của buổi live, vượt qua kỷ lục của phiên Mega Live chào Tết ngày 15/1/2024 của chính KOL với hơn 420.000 đơn hàng được chốt.
Hay như KOL Phạm Thoại cũng đã hoàn thành một phiên live đạt mốc doanh thu 50 tỷ đồng sau 24 giờ trong tháng 4/2024.
Những con số ấn tượng trên đã khiến nhiều doanh nghiệp và nhà bán hàng đã bắt đầu coi livestream trên TikTok là một “miếng bánh béo bở” và ngon ăn. Tuy nhiên, chỉ đến khi thực hiện, họ mới nhận ra rằng việc có những phiên livestream bán hàng với doanh thu tiền tỷ không hề dễ dàng, thậm chí còn nhiều khó khăn.
Không hề “dễ ăn” và dễ chạm tới như tưởng tượng
Livestream “tiền tỷ” là một quá trình phức tạp và đầy thách thức, không hề dễ dàng với cả KOL và thương hiệu. Ở họ đều phải đầu tư nhiều chất xám và chi phí vào việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản cũng như công tác tổ chức chuyên nghiệp. Đằng sau mỗi phiên livestream này là công sức chuẩn bị, xây dựng nội dung hấp dẫn, chọn lựa các sản phẩm giảm giá sốc để thu hút người mua trong cả tháng.
Khả năng tương tác với người xem là điều đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức một phiên livestream thành công. Để đảm bảo điều này, các KOL cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, biết cách tạo dựng tương tác với người xem và liên tục sáng tạo các nội dung mới. Đồng thời, nhằm hướng đến việc các chương trình khuyến mãi và deal giảm giá không chỉ hấp dẫn mà còn có lợi về mặt tài chính thì thương hiệu cần phải tính toán rất kỹ lưỡng.
Không chỉ vậy, việc quản lý và chăm sóc khách hàng sau bán hàng cũng là điều cấp thiết. Bởi vì, tỷ lệ khách hủy đơn hàng cao cũng là một trong những thách thức lớn đối với tất cả các phiên livestream. Khi người mua cảm thấy không hài lòng, họ rất dễ hủy đơn hàng gây ra tổn thất đáng kể về doanh thu cũng như độ uy tín của thương hiệu.
Một yếu tố khác cũng cần xem xét chính là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu. Nhằm thu hút khách hàng, các thương hiệu không ngại phá giá, tung deal… tạo ra môi trường cạnh tranh kém lành mạnh. Có thể thấy rằng, để nếm được “mật ngọt”, các thương hiệu cũng như KOL đều phải không ngừng nỗ lực và có những tính toán thông minh. Hơn hết, ở họ phải có chiến lược rõ ràng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua khó khăn hay thậm chí là khủng hoảng thì mới có thể chinh phục được mục tiêu đã đề ra.
Công thức “vàng” với tới những phiên livestream bùng nổ
Lên kế hoạch livestream kỹ lưỡng
Bạn cần có sự đầu tư kỹ lưỡng trong việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, nội dung cũng như các bước triển khai để thu hút người xem. Mỗi một chi tiết nhỏ cũng đều cần được chăm chút thì mới tạo nên một tổng thể thành công.
Để có được kịch bản hấp dẫn, đầu tiên cần phải có sự nghiên cứu, phân tích thị trường và khách hàng cẩn thận.
Đẩy mạnh tương tác
Muốn có một buổi livestream thành công, hơn hết cần sự tương tác cao và liên tục của người xem. Bản thân người điều phối phiên live cần có kỹ năng giao tiếp tốt, biết tạo dựng tương tác và duy trì nó sao cho lâu dài nhất. Để làm được điều này, bạn cần tạo nên một môi trường thân thiện và gần gũi, khuyến khích người xem tham gia mua sắm.
Chương trình khuyến mãi hấp dẫn
Việc tạo các minigame, quà tặng và flashdeal trong phiên live cũng giúp tăng tương tác và kích thích lượt mua hàng hiệu quả.
Doanh nghiệp và các KOL, KOC cần tính toán kỹ để lên các chương trình hấp dẫn sao cho vừa thu hút người xem mua hàng, vừa đảm bảo hiệu quả về lợi nhuận.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ CSKH
Tại sao cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng? Điều này sẽ tăng mức độ hài lòng, giảm tỷ lệ hủy đơn cũng như khuyến khích khách hàng tiếp tục ủng hộ sản phẩm và thương hiệu.
Ngoài ra, thị trường livestream đang cạnh tranh rất gay gắt về mức giá. Do vậy, nếu có sản phẩm và dịch vụ tốt, thương hiệu sẽ dễ dàng đánh bại các đối thủ.
Không ngừng đổi mới và sáng tạo
Đây là một yếu tố quan trọng để giữ chân người xem. Sự sáng tạo sẽ tạo ra điều khác biệt và thu hút sự chú ý. Do vậy, bạn cần liên tục suy nghĩ những ý tưởng, cách tiếp cận mới và nội dung hấp dẫn để có được những phiên livestream độc đáo, ấn tượng.
Có chiến lược dài hạn
Cuối cùng, việc xây dựng một chiến lược kinh doanh dài hạn sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của thương hiệu. Đừng chỉ tập trung vào doanh thu nhất thời mà cần có kế hoạch bền vững, tập trung xây dựng uy tín và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Không phải tự nhiên mà bạn sẽ có được những phiên live tiền tỷ chỉ sau một hai ngày. Đây là thành quả cộng hưởng từ cả quá trình xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu trong lòng khách hàng.
- Sẽ định danh chủ thể tham gia hoạt động livestream bán hàng
- Xử phạt cơ sở livestream bán hàng hóa giả trên mạng
- Người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream