Thứ tư, 29/11/2023, 06:12 (GMT+7)

'Lính mới' TMĐT Temu liệu có thể thay đổi cuộc chơi ở Đông Nam Á?

Minh Sơn (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Khác các sàn thương mại điện tử truyền thống như Shopee hay Lazada, sàn TMĐT Temu lựa chọn mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới để chinh phục khách hàng.

Temu, sàn TMĐT thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Pinduoduo, có mặt tại Đông Nam Á, cụ thể là tại thị trường Philippines và Malaysia, lần lượt vào tháng 8 và tháng 9 năm nay. Sàn TMĐT Temu là đối thủ tiếp theo mà các “ông lớn” TMĐT như Shopee và Lazada phải đối mặt.

So với Lazada hay Shopee, sàn TMĐT Temu có mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt. Theo đó, sàn TMĐT này tập trung vào trải nghiệm TMĐT xuyên biên giới. Temu hoạt động như một sàn TMĐT ký gửi đối với các nhà bán hàng ở Trung Quốc, theo Tech in Asia. Đây cũng từng được xem là mô hình kinh doanh mà TikTok Shop muốn theo đuổi ở Indonesia. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, TikTok Shop đã dừng hoạt động ở Indonesia sau khi chính phủ nước này cấm các mạng xã hội trực tiếp thực hiện giao dịch TMĐT.

download
(Ảnh: Los Angeles Times).

Với mô hình hoạt động trên, sàn TMĐT Temu có thời gian giao hàng chậm hơn so với sàn TMĐT truyền thống. Bên cạnh đó, Temu cũng có điểm khác biệt nằm ở người mua hàng. Nếu như các sàn TMĐT truyền thống thu hút người mua hàng với một mục đích cụ thể, Temu “thường chào bán các sản phẩm giá tốt, khuyến mại sâu và gợi ý sản phẩm để người dùng biết đến nhiều sản phẩm mới có thể làm họ cảm thấy thích thú”. Các sản phẩm thương hiệu cũng thường không xuất hiện trên Temu nhiều như trên Shopee hay Lazada.

Lựa chọn thị trường phù hợp

Ở thời điểm hiện tại, Temu vẫn đang tránh Indonesia, thị trường TMĐT sôi động nhất khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh chính phủ nước này muốn bảo vệ các nhà bán hàng địa phương. Theo Momentum Works, Temu chọn Philippines và Malaysia là thị trường đầu tiên để tiến đánh bởi phần lớn dân số các quốc gia này hiểu Tiếng Anh và TMĐT xuyên biên giới.

Mặc dù có sức mua tốt nhất Đông Nam Á, Singapore không có quy mô mà Temu hướng đến. Ban đầu, Temu muốn “mở hàng” tại Đông Nam Á trước khi đến Mỹ, tuy nhiên giá trị đơn hàng trung bình ở khu vực này thường quá nhỏ, Chen Weihan, một chuyên gia của Momentum Works nhận định.

“Tôi không cho rằng Singapore là một thị trường cần tập trung với cách Temu đang mở rộng. Họ chỉ muốn một phần nhỏ từ tất cả mọi thị trường bởi sau cùng phần thưởng lớn nhất là thị trường Mỹ và các thị trường phương Tây giàu có”, bà Chen nói.

Cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT Đông Nam Á sẽ tiếp tục khốc liệt với miễn phí giao hàng và giảm giá là cách để giữ chân khách hàng. Dù vậy, các chiến lược này sẽ không còn hiệu quả như trước, bà Chen nhận định thêm đồng thời khẳng định Temu có “chỗ dựa” vững chắc là công ty mẹ Pinduoduo.

Trong khi các sàn TMĐT cạnh tranh khách hàng, các dịch vụ phụ trợ ngành này ở Đông Nam Á có thể được hưởng lợi. Các công ty cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 có thể sẽ đón nhận số lượng kiện hàng tăng mạnh và nhu cầu xử lý hàng hóa xuyên biên giới ngày càng cao. Dù vậy, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu như các công ty như Temu hay TikTok Shop không phát triển năng lực logistics của riêng mình.

Các công ty hỗ trợ TMĐT (enabler) cũng có thể có thêm cơ hội, Huy Nguyen – Tuong, đối tác của công ty tư vấn BCG nhận định.

Khi có thêm nhiều kênh bán hàng để quản lý, các thương hiệu sẽ cảm thấy TMĐT ngày càng phức tạp. Lúc đó, các công ty hỗ trợ TMĐT sẽ giúp họ quản lý hoạt động vận hành, marketing, và xử lý hàng hóa đa kênh. Dù vậy, những tác động này sẽ hạn chế nếu như nhu cầu người dùng không duy trì.

“Nhìn tổng thể, ngành TMĐT sẽ cảm nhận được tác động của các công ty mới như Temu trong ngắn hạn, song nó sẽ không đạt đến được tác động thay đổi cuộc chơi với vị thế vững chắc của các sàn TMĐT hiện tại trên thị trường”, Huy Nguyen – Tuong chia sẻ.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục