Lần đầu tiên tại Việt Nam, Robot AI mổ thành công hơn 100 ca u não, đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa công bố 100 ca phẫu thuật u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não đầu tiên bằng Robot AI. Đây là kỹ thuật hiện đại, được Bộ Y tế công nhận.
Người đầu tiên mổ não và tủy sống bằng Robot AI là Kỷ lục gia châu Á - Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ông cùng các cộng sự là êkíp duy nhất tại Việt Nam có chuyên môn và kinh nghiệm vận hành, làm chủ công nghệ Robot này. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hướng đến trung tâm mổ não và tủy sống AI hiện đại tại Việt Nam.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ chia sẻ về những ca phẫu thuật bằng Robot AI mà ông và ê kíp đã thực hiện trong năm qua, trong đó có nhiều trường hợp u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não... khó, nguy hiểm, tưởng chừng như không còn hy vọng do trước đó bệnh nhân đã "bị trả về" vì e ngại rủi ro khi phẫu thuật.
100 ca mổ não và tủy sống bằng Robot AI chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hơn 12.000 ca mổ thần kinh sọ não mà bác sĩ Chu Tấn Sĩ đã thực hiện trong suốt 30 năm sự nghiệp, nhưng mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước tiến quan trọng của y học Việt Nam trong việc ứng dụng robot công nghệ AI tiên tiến vào phẫu thuật thần kinh sọ não.
Robot AI sở hữu khả năng "hòa hình" - tổng hợp các hình ảnh từ nhiều thiết bị chẩn đoán như CT, MRI, DTI, DSA... để tạo nên hình ảnh 3D có độ phân giải cao, giúp bác sĩ quan sát toàn bộ cấu trúc bên trong sọ não, định vị chính xác khối u, khối máu tụ, các vùng não lành và bó sợi thần kinh xung quanh.
Với Robot AI, bác sĩ có thể thực hiện mô phỏng phẫu thuật "thực tế ảo" trên phần mềm chuyên dụng, từ đó lựa chọn đường tiếp cận khối u an toàn và hiệu quả nhất, tránh tổn thương các bó sợi thần kinh, vùng não và tủy lành.
Trước khi bước vào ca mổ chính thức, dữ liệu từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên phòng mổ. Robot AI sẽ giám sát chặt chẽ mọi thao tác của bác sĩ, định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống. Hệ thống dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo của robot giúp đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra chính xác theo kế hoạch đã được xác lập trước đó.
Cánh tay Robot AI liên tục di chuyển tự động theo dụng cụ mổ hoặc giọng nói và phát tín hiệu cảnh báo xanh, đỏ, vàng để xác quyết “real time” đường mổ an toàn, giúp bác sĩ biết trước trên đường mổ chỗ nào xảy ra rủi ro để chủ động tránh.
Khi tiếp cận khối u, bác sĩ sử dụng hệ thống cắt hút siêu âm Cusa để đánh nhỏ, giảm kích thước, hút và loại bỏ hoàn toàn u não, u tủy sống, bảo toàn tối đa chức năng thần kinh. Nhờ đó, người bệnh thoát di chứng sau mổ não, phục hồi nhanh.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ cũng là người đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đã học tập kỹ thuật mổ não thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não ENRICH bằng Robot AI tại Viện Nghiên cứu Thần kinh Aurora, Wisconsin, Mỹ. Đây là kỹ thuật mới được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là “cuộc cách mạng” trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não, mang đến nhiều ưu điểm, người bệnh hồi phục nhanh, giảm tối đa di chứng.
Như trường hợp ông Hải (58 tuổi) bị đột quỵ xuất huyết não đã hơn 24 giờ, bỏ lỡ thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ, khối lượng máu tụ lớn, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ, các chỉ số sinh tồn ngày càng xấu hơn. Nếu mổ theo phương pháp truyền thống, nguy cơ di chứng cao.
Ông được mổ não tỉnh thức với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất. Trong quá trình mổ, ông Hải tỉnh táo, không đau, có thể trò chuyện cùng bác sĩ và hát nghêu ngao. Sau hơn 30 phút, ca mổ thành công, ông được gặp người thân, gọi điện thoại cho gia đình.
Nửa ngày sau, kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức bình thường.
Báo cáo với Bộ Y Tế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, kỹ thuật mổ não và tủy sống giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ.
Robot AI Modus V Synaptive được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ứng dụng trong điều trị u não trên lều, u não dưới lều, u trong não thất, u não đường giữa, u não nền sọ, u trong ống sống, xuất huyết não – não thất; và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Hiện trên thế giới chỉ có 14 nước sử dụng, đa phần ở các quốc gia phát triển. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI hiện đại này.