2 người đàn ông đột quỵ vì thói quen ban đêm nhiều người mắc phải, bác sĩ khuyên điều cần làm để tránh nguy hiểm tính mạng
Không ít số ca đột quỵ gần đây có liên quan đến thói quen tắm đêm trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy tắm đêm nguy hiểm ra sao? Cần làm gì để ngăn ngừa đột quỵ trong mùa lạnh?
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian gần đây đơn vị này tiếp nhận liên tiếp các bệnh nhân bị đột quỵ. So với năm ngoái, mùa đông năm nay số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng.
Cụ thể, trường hợp bệnh nhân nam Đ.V.Đ (45 tuổi, ở Hà Nội) được đưa vào viện vào đêm 6/12. Được biết, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý. Tuy nhiên, sau khi tắm khuya, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, phải đưa đi cấp cứu.
Kết quả chẩn đoán cho thấy xuất huyết não với khối máu 90 cm³, và bệnh nhân buộc phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não, hiện tại bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.X.K (42 tuổi, ở Hải Dương). Được biết, sau tắm đêm, bệnh nhân đột ngột đau đầu, ý thức chậm dần đi vào hôn mê. Ông đã được sơ cứu tuyến trước rồi chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108 giờ thứ 3 sau đột quỵ. Mặc dù đã được hồi sức cấp cứu tích cực, tuy nhiên tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Cả 2 trường hơp trên đều là những người bệnh khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính, tai biến xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng người bệnh. Điều đáng tiếc này có thể không xảy ra nếu chúng ta biết cách phòng tránh hợp lý.
Vì sao tắm đêm có thể gây đột quỵ?
Tắm đêm là thói quen phổ biến của nhiều người, nhất là với những ai bận rộn, ít thời gian. Thế nhưng, không nên tắm đêm sau 23h, bởi đây là thời điểm nhiệt độ cơ thể giảm xuống, tắm lúc này sẽ làm các mạch máu co lại, gây khó lưu thông máu.
Thậm chí, tắm đêm dễ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, làm hệ miễn dịch suy yếu, gây cảm lạnh hoặc nguy cơ tai biến, đột quỵ cao thậm chí là tử vong. Việc này đặc biệt nguy hiểm đối với những người cao tuổi vì mạch máu bị vôi hóa, huyết áp cao, tắm khuya rất dễ đột quỵ.
Chưa hết, tắm đêm còn khiến bạn dễ bị nhiễm trùng phổi, suy giảm chức năng phổi, đặc biệt là những người đang bị suy giảm miễn dịch. Lý do bởi nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, buộc cơ thể phải điều tiết hoặc là co mạch hoặc là giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Khi bị co lại đột ngột rất dễ khiến bạn bị đột quỵ.
Bên cạnh đó, tắm đêm hoặc để đầu ướt khi đi ngủ dễ khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu. Lúc này mạch máu bị giãn, có thể sẽ bị đau đầu mãn tính.
Cách phòng ngừa đột quỵ trong mùa lạnh
Giữ ấm cơ thể
Đây là việc cực kỳ quan trọng trong mùa lạnh. Nếu bạn mặc không đủ ấm, cơ thể tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh rất dễ làm các mạch máu co lại, tuần hoàn máu kém dẫn đến hạ thân nhiệt, tăng huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, nặng hơn là đau tim, đột quỵ. Bạn cần giữ ấm các vùng cơ thể như: vùng vai váy và đầu; vùng cổ và mũi; vùng bụng; tay và chân.
Khi tham gia hoạt động thể chất, bạn cần mặc nhiều lớp áo, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bỏ các lớp áo và mặc vừa đủ để giữ ẩm cơ thể.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống giàu rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các loại hạt. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa natri cao và chọn các loại dầu không bão hòa. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol, hai yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ.
Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa đột quỵ
Một trong những cách phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là tập thể dục đều đặn. Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập aerobic như đi bộ, chạy bộ, bơi lội giúp duy trì cân nặng, giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Để ngăn ngừa đột quỵ, bạn nên bỏ ngay thói quen thức khuya và duy trì giấc ngủ hợp lý và khoa học hơn. Tránh sử dụng cà phê hoặc trà vào buổi chiều tối vì có thể gây khó ngủ.
Không hút thuốc và hạn chế rượu bia
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Hạn chế uống rượu để giảm áp lực lên hệ tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
Làm gì khi gặp người bị đột quỵ mùa lạnh?
Khi gặp người bị đột quỵ, bạn nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, việc này giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế được các di chứng về sau.
Trong quá trình chờ cấp cứu, nếu bạn không phải nhân viên y tết thì không nên cho người bệnh tự ý sử dụng một loại thuốc bất kỳ nào. Lý do bởi có thể những loại thuốc đó làm tình trạng xuất huyết não của bạn trở nên nghiêm trọng hơn, làm biến chứng nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý không chích máu ngón tay người bệnh, không cử động, lắc người bệnh, không cho người bệnh ăn hay uống…
Với người bị đột quỵ mùa lạnh, bạn nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh mặc đồ quá chật. Đồng thời ghi nhớ thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng để có thể cung cấp với nhân viên y tế.