Khi mẹ là ngoại
Tôi có 2 người mẹ: mẹ ruột và một người mẹ đặc biệt mang tên bà ngoại. Những năm tháng đầu đời của tôi gắn liền với hình ảnh bà ngoại, người đã chăm sóc và yêu thương tôi như con.
Khi tôi mới lên 4, ba mẹ tôi quyết định rời quê hương để vào Sài Gòn lập nghiệp. Họ hy vọng thoát khỏi cuộc sống nghèo khó và mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho hai chị em tôi. Ngày chia tay ba mẹ tôi chỉ nghĩ rằng ba mẹ sẽ đi xa vài hôm rồi trở về với những món quà ngọt ngào, nhưng đó là một cuộc chia tay dài đằng đẵng nhiều năm.
Tôi và em trai dần quen với cuộc sống không có ba mẹ bên cạnh. Nhưng chúng tôi có ngoại, người phụ nữ góa chồng khi vừa tròn 24 tuổi. Từ đó, bà một mình nuôi lớn hai cô con gái, rồi dựng vợ gả chồng cho họ. Giờ đây, bà lại tiếp tục nuôi hai đứa cháu ngoại với tất cả tình yêu thương.
Tôi còn nhớ, mỗi sáng sớm, ngoại lặng lẽ thức dậy nấu cháo cho heo ăn, tôi thường bám lấy lưng bà. Khói bếp cay xè mắt nhưng tôi vẫn thích đứng sau lưng ngoại, nhìn bà nhóm lửa, nấu ăn. Bên bếp lửa bập bùng, ngoại tui hay dùng bàn tay làm bóng con chim, con chó cho cháu xem. Cháu than đói thì ngoại xắn cho cục cơm nguội để cháu nhai nhai đến sáng.
Tôi lớn lên với những bữa cơm đơn giản và món muối hột nướng than hồng của bà ngoại. Đó là món ăn quen thuộc mà tôi không bao giờ quên. Ngoại bỏ muối hột vào chén, trộn thêm vài lát sả, rồi gắp cục than hồng bỏ vào. Muối nổ lách tách trong chén, tạo thành một món ăn dân dã mà ngon lành với chị em tôi. Mỗi khi ăn cơm với muối hột nướng, tôi tưởng tượng mình đang ăn những món ăn xa xỉ, như thịt gà kho sả, cá chiên sả ớt...
Những ngày giáp Tết là khoảng thời gian tôi mong đợi nhất, không phải vì có nhiều quà bánh, mà vì được ngoại nấu cho những món ăn đặc biệt. Một lần, tôi và em trai lén vào bếp ăn vụng nồi thịt gà kho nghệ của ngoại. Chúng tôi gắp trộm vài miếng rồi lấy đũa khỏa lại cho giống như cũ. Khi ngoại phát hiện, bà chỉ cười nhẹ và nói:
Thịt gà ngoại chưa kho, chỉ mới ướp nghệ thôi mà! Tôi giật mình, bụm miệng, không ngờ mình vừa ăn thịt sống. Nhưng trong tâm trí ngây thơ của mình, tôi tự nhủ rằng thịt sống rồi cũng sẽ chín trong bụng thôi.
Những năm tháng trôi qua, ba mẹ tôi vẫn ở Sài Gòn làm ăn vất vả, không thể về quê ăn Tết cùng con. Ngoại tôi thì cần mẫn làm việc, vừa nuôi cháu, vừa gửi từng bao gạo từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn cho ba mẹ tôi.
Để có tiền nuôi cháu, ngoại đi làm thuê đủ nghề, có người thuê bà đều làm hết. Vào mùa gặt lúa, bà dẫn tôi và em trai ra đồng, để chúng tôi chơi ở một góc có bóng mát, rồi bắt đầu công việc của mình. Chúng tôi chơi đùa, lăn lộn giữa những bụi rạ, thi thoảng lăn ra ngủ dưới trời nắng chang chang. Cuối ngày, ba bà cháu lại dắt nhau về nhà, dù mệt mỏi nhưng lòng vẫn vui vẻ.
Lớn lên một chút, tôi bắt đầu học chạy xe đạp. Ngoại lấy chiếc áo len yêu quý của mình quấn quanh yên xe để tôi không bị đau mông. Bà nắm lấy yên xe và khích lệ tôi: “Đạp đi, con gái, ngoại giữ yên xe rồi, không việc gì phải sợ”.
Tôi nghe lời, tự tin đạp xe từ đầu xóm đến cuối xóm. Nhưng khi ngoảnh lại, tôi phát hiện ngoại đã buông tay từ lúc nào. Hoảng sợ, tôi loạng choạng và cuối cùng ngã vào đống rơm của nhà bác Ba hàng xóm. Dù đau ê ẩm, nhưng sau lần đó, tôi đã biết chạy xe, và cứ chiều chiều, tôi lại đạp xe khắp xóm trong niềm vui sướng.
Tuổi thơ của tôi không chỉ có những kỷ niệm vui vẻ, mà còn cả những cơn bão lũ dữ dội của miền Trung. Trận bão lịch sử năm 1998 là một kỷ niệm không thể quên. Mưa suốt mấy ngày liền, nước dâng lên ngập nhà. Ngoại vội vàng bế hai chị em tôi lên nóc nhà. Đêm đó, ngoại thức trắng, ngồi canh nước, sợ rằng nước dâng lên quá nhanh sẽ cuốn trôi mọi thứ. Ba bà cháu run rẫy ôm nhau chỉ biết cầu trời dừng mưa.
May mắn thay, cơn bão rồi cũng qua. Nước rút dần, nhưng những gì còn lại chỉ là đống đổ nát. Ngoại lại bắt đầu gầy dựng lại từ đầu, chăm sóc ruộng đồng, nuôi heo gà và từng bước khôi phục cuộc sống sau trận bão.
Khi tôi lớn hơn chút, tôi giúp ngoại nấu cơm, chăm em, và làm những việc nhỏ để đỡ đần bà. Ngoại tiếp tục làm việc chăm chỉ, lo cho hai chị em tôi từng bữa ăn.
Ngoại tôi không biết chữ, nhưng bà biết viết tên mình. Mỗi lần thấy ngoại cầm bút viết tên mình đầy khó khăn, tôi lại cảm thấy thương bà vô cùng. Hình ảnh ấy luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, thúc giục tôi phải học thật giỏi để thoát khỏi cảnh nghèo.
Đối với tôi ngoại không chỉ là người bà, mà còn là người mẹ thứ 2 trong đời tôi, người đã dành cả cuộc đời để chăm sóc, yêu thương và bảo vệ tôi, như một người mẹ thực sự.
- Nguyễn Thái Ngân - Nữ doanh nhân nỗ lực đưa cái đẹp về đúng giá trị nhân văn
- Doanh nhân 'ngơ ngác' khi bị cấm xuất cảnh do nợ thuế vài trăm nghìn
- Doanh nhân Nguyễn Thị Bình đăng quang Hoa hậu Nhân ái Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2024