Khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Thanh Hoá
(Tiếp thị Gia đình) - Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hoá là vùng đất có tiềm năng du lịch biển và trải nghiệm văn hoá đa dạng hấp dẫn du khách trong, ngoài nước.
Thanh Hoá là vùng đất sở hữu nhiều đặc ân từ thiên nhiên, mang khí hậu đặc trưng của cả ba vùng: ven biển, trung du và đồi núi.
Thời điểm thích hợp để du lịch Thanh Hoá
Đối với vùng ven biển, bạn nên đi trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, thời gian lý tưởng để tham gia hoạt động ngoài trời trước khi mùa bão. Vùng trung du bạn có thể đi du lịch vào mọi mùa trong năm, chú ý giữ ấm vào mùa đông. Đối với vùng đồi núi, bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên từ tháng 4 đến tháng 6 hoặc tháng 9 đến tháng 11 khi chưa vào mùa mưa.
Những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ khi đến Thanh Hoá
Pù Luông
Pù Luông là địa danh nổi tiếng ở xứ Thanh, cách TP. Thanh Hóa khoảng 130km về phía Tây Bắc. Vùng đất này thuộc địa phận 2 huyện của Thanh Hóa là Quan Hóa và Bá Thước. Xung quanh là những địa danh du lịch nổi tiếng như Bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình), suối cá thần Cẩm Lương, rừng Cúc Phương...Vì vậy, hành trình đến với Pù Luông, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng nhiều vẻ đẹp khác nhau trên những cung đường đầy thi vị.
Qua những đoạn đường uốn lượn quanh triền núi nhấp nhô, Pù Luông hiện ra trước mắt du khách như một bức tranh tuyệt đẹp về xứ sở bình yên và thơ mộng. Vẻ đẹp của Pù Luông được tạo bởi những sắc màu đặc trưng của miền đất. Đó là vẻ đẹp của thung lũng với những bản làng nhà sàn của người Mường nép mình dưới những chân núi trùng điệp, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát, những dòng suối uốn lượn và những thửa ruộng bậc thang tựa như những sóng lúa tuyệt đẹp. Phía xa xa là đỉnh Pù Luông với rừng đại ngàn và những áng mây bồng bềnh đầy mê hoặc. Tất cả đã tạo nên một Pù Luông với vẻ đẹp nguyên sơ đầy quyến rũ, một Pù Luông bình yên đến nhẹ lòng và một không gian sống đậm sắc màu văn hóa.
Đỉnh Trường Lệ
Núi Trường Lệ được cấu thành từ những dải núi xếp liên tiếp nhau, hướng từ phía đất liền vươn dần ra tới biển. Trên dãy núi này, có một địa điểm du lịch hấp dẫn là Hòn Trống Mái.Ngoài vẻ đẹp tình tứ của Hòn Trống Mái, du khách còn bị hút hồn với những cung đường quanh co, uốn lượn như một lời chào đón thân thiện của thành phố biển.
Suối cá thần Cẩm Lương
Cẩm Lương còn có tên gọi khác là suối cá thần làng Ngọc, nằm ở bờ bắc sông Mã, bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Con suối dài khoảng 100 m, là địa điểm thu hút khách đổ về ngắm đàn cá có số lượng nghìn con, song không ai dám bắt. Con suối này gắn liền với truyền thuyết về vị thần Rắn, được người dân thờ cúng tại một ngôi đền bên suối. Trước cửa đền thờ có đàn cá hàng nghìn con ngày đêm về chầu thần. Bởi vậy, nhân dân trong vùng không bao giờ bắt và ăn cá suối Cẩm Lương, và cũng quen gọi là suối cá thần từ đó.
Theo các nhà khoa học, đàn cá ở suối là loại cá dốc, thuộc bộ cá chép và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Giống cá có đầu giống cá chép, song thân lại giống cá trắm sông. Cá dốc có màu xanh thẫm, hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi phát ra những luồng ánh sáng bạc, song cũng có những con có màu sắc sặc sỡ như cam, hồng.
Ngoài suối cá, Cẩm Lương cũng thu hút du khách bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã và khung cảnh núi rừng nguyên sơ. Hàng năm vào dịp tháng giêng âm lịch, suối cá thu hút du khách thập phương tới lễ hội rước cá thần truyền thống của người Mường để cầu bình yên, no ấm.
Khu di tích Lam Kinh
Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh).
Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.
Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…
Cây cầu Bạch (tên gọi xưa là cầu Tiên Loan Kiều) bắc trên sông Ngọc là lối đi chính dẫn du khách vào thăm Kinh thành cổ Lam Kinh. Cầu được làm theo kiểu dáng kiến trúc độc đáo phổ biến ở các nước nhiệt đới vùng Á Đông, đó là thượng gia hạ kiều tức trên nhà, dưới cầu.
Thác Voi
Nằm trong khu vực bìa rừng của vườn Quốc Gia Cúc Phương, thác Voi là một địa điểm dã ngoại nổi tiếng không chỉ với khách bản xứ tại địa phương, mà luôn là điểm đến nằm trong danh sách “phải đến” của du khách phương xa.
Ấn tượng đầu tiên của bạn khi được tận mắt chiêm ngưỡng dòng thác này là sự ngỡ ngàng bởi nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ, với những dòng chảy ào ào tạo nên những âm vang sống động và một khung cảnh hết sức thơ mộng, trữ tình.
Theo truyền thuyết từ xa xưa, tên gọi thác Voi được hình thành gắn liền với lịch sử nước nhà. Đó là thời điểm vua Quang Trung đang cùng binh đoàn hành quân ra phía Bắc, khi đến dãy núi Tam Điệp ông tình cờ phát hiện một hốc nước nhỏ, ông chọn nơi đây để nghỉ ngơi và cho đàn voi chiến ngâm mình, uống nước tại hốc nước này.
Biển Sầm Sơn
Biển Sầm Sơn chia thành 4 bãi tắm A, B, C, D.
Bãi tắm A là đông du khách nhất, có độ dốc thoải và sóng mạnh, có nhiều thuyền, vách đá để chụp hình sống ảo. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận khi check-in gần núi do các tảng đá sắc cạnh.
Bãi tắm B có sóng vừa phải hơn, thích hợp với đoàn khách có người già, trẻ nhỏ. Khu vực này tập trung nhiều quán ăn vặt ở bờ biển.
Bãi tắm C sóng lớn, đông khách, sạch sẽ. Dọc bờ biển có nhiều nhà hàng, quán cafe, quán karaoke. Độ dốc bằng phẳng và thường là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi.
Bãi tắm D vắng hơn, gần khu vực thuyền chài, phù hợp với những ai muốn tận hưởng không gian yên tĩnh.
Năm 2022, thành phố Sầm Sơn tổ chức Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái với một loạt sự kiện như hội thi hát về tình yêu, hội thi mâm cơm gia đình, hội trại tình yêu...
Ngoài ra, năm nay thành phố cũng tổ chức lễ hội du lịch biển chủ đề "Sầm Sơn cất cánh" với các sự kiện xuyên suốt như lễ hội thả diều lần đầu tiên; chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần; lễ hội đường phố, hội cầu ngư bơi chải, diễu hành mô tô phân khối lớn.... Tháng 6 là tâm điểm của lễ hội biển 2022 Sầm Sơn.
Đặc sản
Hải sản
Khi đến Thanh Hoá, bạn có thể thưởng thức các loại hải sản với gần 1000 loại tôm, cua, cá,... Đặc biệt, gỏi cả và lẩu rắn biển là một trong những món ăn được nhiều người yêu thích.
Nem chua
Nem được cuốn bằng nhiều lớp lá chuối khác nhau, phần thịt bên trong có màu hồng, được dùng kèm lá ổi và ớt hiểm thái nhỏ.
Bánh tẻ Thanh Hoá
Bánh tẻ hay còn được gọi là bánh răng bừa, món bánh truyền thống trước đây dùng để tiến vua. Bánh được làm từ bột gạo tẻ có nhân thịt ba chỉ, mộc nhĩ và hạt tiêu bên trong.
Nem nướng Thanh Hóa
Nem được tạo từ thịt lợn, thính và gói bên trong lá chuối, sau vài ngày có thể đem đi nướng và thưởng thức cùng lá đinh lăng. Món nem có hương vị chua nhẹ, xen lẫn vị ngọt từ bì lợn cùng mùi thơm đặc trưng.
Lưu trú
Nếu bạn du lịch biển Sầm Sơn, giá phòng mùa cao điểm từ khoảng 250.000 đồng trở lên. Bạn có thể lựa chọn nghỉ tại những khách sạn ngay trên đường Hồ Xuân Hương sát mép biển để có view đẹp, thuận tiện di chuyển. Giá cả dịch vụ tại bãi A, B thường cao hơn bãi C,D nên với ngân sách vừa phải, bạn có thể tìm đến các nhà nghỉ cách bãi biển 500-700 m dưới bãi C,D để tìm phòng giá tốt mà chất lượng phục vụ vẫn được đảm bảo. Hiện tại FLC Sầm Sơn vẫn là khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trong tổng số hơn 600 cơ sở lưu trú tại Thanh Hoá.
Còn nếu bạn trải nghiệm các địa điểm vùng núi, trung du như Pù Luông, bạn có thể tham khảo một số homestay như:
Homestay Pù Luông Retreat
Pù Luông Retreat hiện tại có gần 20 bungalow tiện nghi và 1 nhà sàn truyền thống. Ngoài ra còn có cả những phòng rộng hơn cho những bạn đi theo nhóm đông người hoặc đi cùng gia đình. Mỗi phòng đều có ban công nhìn ngắm ra những ruộng bậc thang đặc trưng của vùng đất Pù Luông. Ngoài ra còn được trang bị đầy đủ tiện nghi và phòng tắm riêng sạch sẽ.
Pù Luông TreeHouse
Homestay được thiết kế theo dạng bungalow cực độc đáo và nằm tách biệt nhau. Kết hợp với không gian thiên nhiên hoang sơ, thoải mái và mộc mạc. Do đó tạo cho bạn cảm giác riêng tư và thư giãn thật yên bình.
Di chuyển
Bạn có thể đến với Thanh Hóa bằng nhiều phương tiện khác nhau như tàu hỏa, xa máy, xe ô tô và máy bay tùy vào vị trí địa lý và kinh phí của bạn.
- Tàu hỏa: Thanh Hóa cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km vì thế bạn có thể đi bằng nhiều phương tiện, nhưng để tiết kiệm và có thể thưởng ngoạn phong cảnh trên suốt quãng đường đi bạn nên đi bằng tàu hỏa với giá vé dao động từ 70.000Đ - 120.000Đ/vé tùy theo ghế cứng hay ghế mềm.
- Xe khách: Từ Hà Nội đến Thanh Hóa có rất nhiều hãng xe, vì thế khách du lịch có thể mua vé tại bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát vào tất cả các thời điểm trong ngày.
- Máy bay: Nếu đi từ TPHCM thì thuận tiện nhất là đi bằng máy bay, bạn có thể đặt vé của các hãng nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đáp chuyến bay tại sân bay Thọ Xuân.