Bí kíp để có chuyến du lịch Sơn La tuyệt vời
Du lịch Sơn La là một trong những lựa chọn của du khách khi đến vùng Tây Bắc, bởi nơi đây sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng của 12 dân tộc anh em và có nhiều đặc sản hấp dẫn.
Nên đi du lịch Sơn La vào thời điểm nào?
Miền đất Tây Bắc quanh năm lúc nào cũng có cảnh đẹp, chiều lòng người khác nhưng vẫn có những khoảng thời gian, nơi đây đặc biệt hấp dẫn và bạn chắc chắn nên đến thăm vào khoảng thời gian này:
-
Tháng 9: đây là khoảng thời gian diễn ra hoạt động Tết Độc Lập của dân tộc người Mông nên đi vào khoảng thời gian này sẽ vô cùng thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu thêm về nền văn hóa Tây Bắc.
-
Tháng 10: mùa hoa dã quỳ nở rực rỡ nhất vào khoảng thời gian này, ngập tràn sắc vàng dọc theo tuyến đường Quốc lộ 6 và các bản làng.
-
Tháng 11: đây là thời điểm thích hợp để đi săn ảnh ở Mộc Châu với những bông hoa cải nở trắng rừng.
-
Dịp Tết nguyên đán lại là lúc hoa đào, hoa mận nở ngập trời Tây Bắc, sắc hồng, trắng đan xen trên mọi nẻo đường. Ngoài ra, lên Sơn La vào khoảng thời gian mùa đông bạn còn có cơ hội được thử cảm giác tắm suối nước nóng - một nét văn hóa đặc trưng của người Thái.
Tùy vào sở thích cũng như mong muốn của bản thân, du khách hoàn toàn có thể tự chọn cho mình khoảng thời gian phù hợp nhất để thực hiện chuyến đi.
Phương tiện di chuyển đến Sơn La
Thành phố Sơn La nằm cách Hà Nội chỉ khoảng 320km nên nếu như bạn ở Hà Nội thì việc di chuyển đến Sơn La tương đối dễ dàng và thuận tiện. Có nhiều phương án và cách di chuyển cho bạn có thể lựa chọn.
-
Xe khách: Di chuyển bằng xe khách là hình thức thuận tiện nhất, vé xe khách từ Hà Nội đến sơn La cũng rất phải chăng, giao động trong khoảng từ 160.000 – 220.000 đồng/vé vừa thuận tiện vừa đảm bảo an toàn. Một số nhà xe khách bạn có thể tham khảo như: Ngọc thuận, Bắc Sơn,,… xe sẽ xuất phát tại bến xe Mỹ Đình.
-
Xe máy: Đối với những bạn đi theo nhóm, muốn trải nghiệm cảm giác đi phượt thì cũng có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy vì khoảng cách cũng không quá xa. Đây là một trải nghiệm khá thú vị ở đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ và chấp hành đầy đủ luật lệ giao thông để đảm bảo an toàn.
-
Máy bay: Nếu bạn muốn nhanh chóng, tiện lợi hơn thì cũng có thể di chuyển bằng máy bay, một số hãng bay như Vietnam Airline đã hỗ trợ chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Điện Biên.
Địa điểm lưu trú khi đi du lịch Sơn La
Có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn nằm trong các khu du lịch Sơn La với chất lượng dịch vụ và giá cả khác nhau cho du khách lựa chọn.
Khách sạn Sơn La
Để khám phá vùng đất Sơn La, du khách nên lựa chọn một nơi nghỉ ngơi hợp lý và gần trung tâm nhất, có thể tham khảo một số khách sạn dưới đây nhé:
-
Mường Thanh Luxury Sơn La
-
Mường Thanh Holiday Mộc Châu
-
Windsor Hotel Sơn La
-
Thảo Nguyên Mộc Châu
-
Hoa Ban Trắng Mộc Châu
Homestay Sơn La
Khi chọn homestay, bạn sẽ được ở ngay tại nhà của người dân địa phương để cảm nhận được cuộc sống, văn hóa tại đây một cách thực tế nhất. Vì vậy, homestay rất phù hợp để khám phá và nghỉ dưỡng khi đến Sơn La:
-
Mộc Châu Cottage Homestay
-
Nhà Ta Homestay
-
Arena village Homestay
-
Happy Land Homestay Mộc Châu
Resort Sơn La
Bạn muốn nghỉ dưỡng ở nơi có thiết kế sang trọng, khoáng đạt, có sự tổng hòa tuyệt vời giữa thiên nhiên và những nét tinh hoa kiến trúc thì Resort chính là lựa chọn đúng đắn nhất. Một số Resort nổi tiếng tại Sơn La có thể kể đến như:
-
Mộc Châu Eco Garden
-
Phoenix Mộc Châu
-
Thảo Nguyên Resort
-
Vân Hồ Ecolodge
Các địa điểm nên ghé thăm khi đi du lịch Sơn La
Cao nguyên Mộc châu
Cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp từ lâu đã là điểm đến nổi tiếng, thu hút khách du lịch từ mọi miền tổ quốc. Nơi đây sở hữu cao nguyên xanh mát, những đồi chè xanh non mơn mởn, các bản làng của người dân tộc nằm đan xen bên màu trắng của hoa mận bạt ngàn. Tiết trời se lạnh cùng mây mù giăng lối càng tăng thêm nét đẹp vùng cao cho Mộc Châu, biến nơi đây trở thành điểm check-in mà bất cứ ai cũng muốn đến ít nhất một lần.
Du lịch Sơn La tại Ngũ Động Bản Ôn
Hệ thống gồm 5 hang động nằm trên rừng núi, mang nét đẹp hoang sơ của tạo hóa vẫn còn được gìn giữ cho đến tận ngày hôm nay. Việc vào thăm động khá khó khăn, đòi hỏi sức khỏe bởi phải đi đường đồi núi, có những đoạn leo trèo khá trơn trượt, du khách nên nhờ người dân xung quanh đưa đi. Cũng bởi đặc tính này mà những đường nét, hình dáng cũng như những lớp nhũ đá trong động vẫn còn được bảo toàn vẹn nguyên, chưa chịu tác động của con người.
Bản Mòng
Thuộc xã Hua La, thị xã Sơn La, bản Mòng vốn là điểm du lịch sinh thái cũng như văn hóa được nhiều người yêu thích mỗi khi về thăm Sơn La. Cùng với màu xanh mát của núi rừng, cao nguyên là muôn sắc hoa đua nở, càng tô đậm thêm nét đẹp mà chỉ khi về với thiên nhiên núi rừng, bạn mới có cơ hội được chiêm ngưỡng, cảm nhận. Không gian nơi đây thanh tĩnh, yên bình bên những chùm hoa ban, hoa mận, hoa mơ bung nở mỗi độ xuân về bên triền đồi trồng cà phê. Đông đến, đi tắm suối nước nóng tự nhiên, tối về nếp nhà sàn ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, mỗi trải nghiệm đều đem đến cảm giác thư thái làm hài lòng người khách.
Động Sơn Mộc Hương
Động Sơn Mộc Hương là một hang động rộng lớn với nhiều cột nhũ đá lớn nhỏ, từng là nơi cư trú của đàn dơi nên được biết đến với cái tên khác là Hang Dơi. Tuy nhiên, hiện nay. đàn dơi đã di chuyển đến nơi khác cư trú. Ở đây, người ta đã tìm thấy những hiện vật minh chứng cho dấu hiệu của người Việt từng sinh sống từ hơn 3000 năm trước như: rìu mài lưỡi, mảnh gốm, mảnh tước,… Không gian trong động rộng lớn với từng cột nhũ thạch rủ xuống từ trên cao cũng như trên mặt đất với muôn vàn hình dáng, kích cỡ khác nhau. Tất cả đều được “chạm trổ” bởi bàn tay của thiên nhiên, tạo hóa qua quá trình phong hóa đá vôi.
Hồ Tiền Phong
Về thăm hồ Tiền Phong, du khách sẽ có những trải nghiệm dân dã, bình dị giữa vùng non nước, được tự chèo tay chiếc thuyền nhỏ ra hồ hay ngồi bên bờ thả mồi câu cá. Thuộc xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, hồ Tiền Phong mang trong mình nét đẹp của nắng và gió ngàn, mang hơi thở của bản làng đồng bào dân tộc Thái. Hồ được bao bọc bởi từng dãy núi lớn nhỏ nên quanh năm đều có gió mát thổi về từ rừng, không khí trong lành vô cùng. Giữa hồ còn có một hòn đảo nổi nhỏ vẫn thường được ví như hình ảnh con rùa nổi lên giữa mặt nước.
Xã Ngọc Chiến
Ngọc Chiến là một xã vùng cao mang trong mình đầy đủ điều kiện để trở thành điểm đến hút khách du lịch, từ khí hậu mát mẻ đặc trưng do nằm cao hơn mực nước biển gần 1000m cho đến khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ cũng như cuộc sống bản làng của dân tộc Tây Bắc. Ghé thăm nơi đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa được người dân địa phương trồng, phục vụ trao đổi buôn bán với miền xuôi. Bên cạnh đó, còn có cơ hội đến thăm và tìm hiểu về văn hóa, kiến trúc nhà ở của người Thái. Khi tiết trời chuyển lạnh giá thì đi ngâm mình trong dòng suối nước nóng tự nhiên do thiên nhiên ban tặng, thưởng thức chút rượu cần cay nồng bên bếp lửa hồng ấm áp, ngắm nhìn điệu nhảy của người dân miền núi cao.
Cụm du lịch sông Đà
Đã về thăm Sơn La thì chắc chắn không thể bỏ qua cụm du lịch sông Đà, thắng cảnh hùng vĩ gắn liền với bao tác phẩm văn học đi cùng năm tháng. Từ dòng sông Đà cho đến núi non hùng vĩ bao quanh, những hang động đều mang giá trị khảo cổ về cả một nền văn hóa xa xưa. Đây cũng là nơi cư ngụ, sinh sống của hàng loạt dân tộc anh em như: Thái, Mường, Dao,… với những nét văn hóa đặc sắc cùng phong tục đặc trưng.
Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La nằm trên ngọn đồi Khau Cả, bên dòng suối Nậm La thuộc tỉnh Sơn La. Nhà tù do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908, có diện tích ban đầu là 500 m2. Năm 1940, nhà tù được mở rộng thêm lên đến 1.700m2.
Thực dân Pháp xây dựng nhà tù nhằm tách rời mối quan hệ giữa tù chính trị với nhân dân. Chúng còn lợi dụng yếu tố thời tiết để cho những người chiến sĩ của chúng ta chết dần, chết mòn.
Những nhà lãnh đạo xuất sắc như: Trường Chinh, Tô Hiệu, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Mai Chí Thọ, Nguyễn Cơ Thạch,Trần Quốc Hoàn, Hoàng Thế Thiện,… đều đã từng bị giam giữ tại đây.
Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Rừng Đại tướng nằm ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, người dân ở đây vẫn gọi bằng cái tên thân mật đó là “rừng ông Giáp”. Rừng có diện tích khoảng 200 ha, được hình thành bởi hai dãy núi bao bọc, cây cối quanh năm xanh tốt, mây mù bao phủ.
Trong lần hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi.
Xím Vàng
Xím Vàng là một xã vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Con đường từ thị trấn Bắc Yên lên Xím Vàng là những con đường đèo quanh co với những khúc cua tay áo. Xím Vàng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông.
Vào những ngày đầu tháng 10, Xím Vàng trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên lưng đồi với những thảm lúa vàng óng ả.
Ruộng bậc thang đẹp nhất là ở bản Háng Gò Bua, Sồng Chống, Cúa Mang, từng bông lúa nặng trĩu vàng óng tạo nên một phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Nếu những ai yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước khung cảnh như vậy.
Háng Đồng
Háng Đồng nằm ở độ cao 2000m so với mực nước biển, cách thị trấn Bắc Yên khoảng 30 km. Đường đến Háng Đồng quanh co, uốn lượn là thử thách không dễ dàng đối với những tay lái.
Nơi đây là một điểm săn mây yêu thích của các bạn trẻ với địa danh Sống lưng khủng long hùng vĩ, nên thơ, nhất là những ngày có mây bồng bềnh.
Ăn gì khi đi du lịch Sơn La?
Cơm lam người Thái
Cơm lam là món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc, đặc biệt là người Thái. Cơm lam được nấu bằng gạo nếp nương ngâm ủ qua đêm cho vào từng ống tre gọi là may khâu (Lam Pa Ngà), cho một ít nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối rồi đưa lên bếp củi đốt đến khi chín.
Sau khi chín, tách khéo từng lớp phần cật của ống tre, để lại lớp lụa mỏng. Lớp lụa mỏng ấy có chút mặn, chút hương của rừng núi, một chút khói bếp. Nếu làm mất đi lớp lụa ấy thì cơm lam đã mất đi một nửa giá trị.
Cơm lan thường được ăn cùng với muối vừng, cũng có những nơi chấm cơm lam với chẩm chéo – món chấm đặc trưng của người dân vùng núi Tây Bắc.
Nậm Pịa
Đây là món ăn nổi tiếng ở vùng núi Tây Bắc, trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” có nghĩ là phần bên trong của ruột non bò. Đây là món ăn có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái.
Nguyên liệu để làm nên món ăn này đó là tiết bò hoặc tiết dê, đuôi, dạ dày, và đặc biệt là không thể thiếu “pịa”. Món pịa có màu nâu, nước sền sệt, có vị đắng và mùi hơi khó ngửi, được ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Rất nhiều người không ăn được món này vì mùi của nó, nhưng nếu ăn quen rồi sẽ cảm thấy rất ngon.
Cơm nếp Mường Tấc
Trên mảnh đất vựa lúa lớn thứ 4 của Tây Bắc, bà con đồng bào dân tộc Thái đã trồng được giống nếp thơm, dẻo, rồi chế biến ra món xôi nếp cốm. Đến với Mường Tất, bạn đừng quên thưởng thức món xôi thơm ngon này nhé.
Bánh giày Hồng Ngài
Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Mông ở Hồng Ngài. Món bánh được chế biến cầu kỳ qua bàn tay phụ nữ của người Mông.
Việc giã bánh vô cùng nặng nhọc, qua từng nhịp chày, xôi nếp trong cối quánh vào nhau. Tiếp đó là công đoạn vắt bánh, từng vắt bánh nóng hổi dần dần tròn trịa.
Thịt trâu khô (Trâu gác bếp)
Món ăn này thường có trong những dịp lễ, Tết ở bản, người Thái thường lấy một ít thịt trâu vừa mổ để làm món thịt trâu gác bếp dùng dần trong năm. Thịt trâu được làm từ những miếng thịt bắp, thớ thịt đều và ít gân. Sau đó, thái miếng và tẩm ướp gia vị, đem thịt xiên vào que lớn gác trên bếp. Khi thịt khô chỉ cần đồ lại và lấy ra sử dụng.
Pa Pỉnh Tộp (Cá nướng gập)
Cá nướng được tẩm ướp nhiều loại gia vị như: gừng, mắc khén, sả, ớt tươi, rau mùi, hành tươi,… Sau khi chuẩn bị gia vị, người dân rạch sống lưng cá, bỏ mật và giữ nguyên lòng rồi nhồi gia vị vào trong bụng cá. Gập đôi con cá lại, luồn qua vòng miệng và cho vào nẹp tre chẻ đôi, đem nướng.
Thịt chua người Dao
Người Dao Tây Bắc có món thịt chua đặc sản, là món ăn mang đậm nét văn hóa riêng và thường được thưởng thức trong những dịp lễ tết đặc biệt hoặc khi đón tiếp khách quý đến nhà chơi. Từng miếng thịt ba chỉ được làm sạch, khía cho mau ngấm, xát muối hột, thêm chút cơm nguội rồi đem ngâm trong từng chiếc chum lớn. Hương vị đậm đà của thịt muối ăn kèm với lá lốt, tất cả làm nên món ăn đậm phong vị miền núi của người Dao.
Rau cải mèo
Rau cải mèo của người dân Tây Bắc không có vị ngọt mà lại có chút đăng đắng, ngăm ngăm, ăn miếng đầu có thể không quen nhưng ăn tiếp sẽ thấy vị ngon đặc biệt của nó. Bó rau cải mèo mang về nhặt, rửa sạch sẽ, đem luộc chín rồi chấm cùng bát mắm dằm thêm quả trứng, đơn giản mà thanh cảnh không lo ngán.
Nộm da trâu
Món ăn này được chế biến rất kỳ công với nguyên liệu là da trâu và các gia vị địa phương như: mắc khén, trám rừng, lạc rang,… Một sự kết hợp hoàn hảo, tạo nên món ăn khiến bạn ăn một lần là nhớ mãi không quên hương vị núi rừng Tây Bắc.
Du lịch Sơn La – đặc sản mua về làm quà
Chè Tà Xùa
Tà Xùa nổi tiếng chè Shan tuyết, chè được bà con chăm bón tự nhiên, không sử dụng hóa chất nên khi uống có vị thơm, ngọt.
Mật ong Sơn La
Với khí hậu ôn hòa, những cánh rừng bạt ngàn các loại hoa cỏ tự nhiên cho mật và phấn hoa có chất lượng tốt đã giúp cho mật ong Sơn La trở nên có thương hiệu.
Mận hậu Sơn La
Mận hậu Sơn La quả to giòn, có lớp da căng bóng, bên ngoài phủ một lớp phấn trắng đặc trưng. Khi bóp nhẹ có cảm giác hơi cứng chứ không bị dập nát. Vỏ mận có màu xanh khi còn non và chuyển sang đỏ tía như quả Cherry lúc chín.
Táo mèo Sơn La
Táo mèo được trồng nhiều ở các huyện Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu của tỉnh Sơn La, được thu hoạch vào khoảng tháng 8 cho đến tháng 10. Quả táo mèo có vị chua, chát và ngọt nên chủ yếu được thu hoạch để ngâm rượu.
Dâu tây Mộc Châu
Dâu tây đã được trồng ở Mộc Châu cách đây khoảng 5 đến 6 năm. Với khí hậu và chất đất phù hợp, nhiều nhà vườn đã mở rộng diện tích trồng dâu để xuất về các thành phố chế biến thành rượu, mứt. Đến với Mộc Châu, bạn sẽ bị thu hút trước những luống dâu tây xanh san sát, mơn mởn. Điểm trên màu xanh tươi mát đấy là những đóa hoa trắng tinh khôi xen lẫn mới những quả dâu mới nhú, quả màu xanh, quả ương hồng, quả chín mọng bóng bẩy, mê hoặc vị giác.