Thứ năm, 01/06/2023, 10:30 (GMT+7)

Khám phá Chùa Nôm - Ngôi chùa cổ tại Hưng Yên

Thu Trang (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Chùa Nôm là ngôi đại tự có tiếng của Bắc Bộ với lối kiến trúc cổ xưa trường tồn cùng thời gian. Chắc chắn du khách khi đến tham quan sẽ cảm nhận được nét trầm mặc và uy nghiêm của nơi đây.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Tổng quan về chùa Nôm 

Lịch sử về chùa Nôm Hưng Yên

Chùa Nôm thuộc thiền phái Lâm Tế, có tên chữ là Linh Thông cổ tự, do xưa kia chùa Nôm nằm giữa một khu rừng thông cổ thụ. Ngôi chùa thuộc quần thể di tích tại làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Theo thông tin được khắc trên bia đá trong chùa, chùa Nôm được xây dựng vào những năm 1680 dưới thời Hậu Lê, gắn liền với thời hoàng Kim của Phật Giáo Việt Nam. 

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-1
Chùa Nôm thuộc thiền phái Lâm Tế, có tên chữ là Linh Thông cổ tự. Ảnh: sưu tầm

Chùa Nôm mang vẻ đẹp cổ kính và có kiến trúc ấn tượng

Chùa Nôm sở hữu kiến trúc ấn tượng, cổ kính với thiết kế theo hình chữ Đinh mang ý nghĩa kiên định, kiên cố. Tổng diện tích khuôn viên chùa rộng khoảng 8ha bao gồm các công trình như: vườn tháp và lầu Quan Âm. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh chùa cũng vô cùng trù phú và thanh tịnh.

Phần mái của ngôi chùa được lợp bằng mái cong, mang màu sắc trầm của gỗ, xung quanh chạm trổ những hoa văn tinh xảo, kỳ công. Đặc biệt, đỉnh chóp mái còn được đắp phù điêu rồng tinh tế, cho thấy sự tài hoa nghệ thuật của người nghệ nhân xưa. Sau cánh cổng chùa là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng ở hai bên. Những cột gỗ của hai lầu cũng được chạm khắc vô cùng tinh tế, tỉ mỉ. Cạnh lầu chuông là hồ nước trong xanh, giữa mặt hồ là lầu Quan Âm đẹp tựa một đài sen trắng lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng. Ở chùa Nôm, từng trụ cột, kèo bằng gỗ cũng đều rất quý giá vì được làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến. 

Qua lối đi sau nhà mẫu của chùa Nôm là nhà thờ tổ mới được xây dựng những năm gần đây. Đây là nơi đặt tượng thờ các vị sư trụ trì chùa, tượng Bồ Đề Đạt Ma. Đặc biệt nơi đây còn có bức tượng của cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ - bức tượng khá nổi tiếng du khách gần xa vì khá giống với người thật. 

Mặc dù trong sự phát triển, chùa Nôm được trùng tu nhiều đợt qua nhiều thời kỳ nhưng chùa vẫn giữ được những giá trị vốn có, cùng nét cổ kính, trầm mặc. 

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-2
Chùa Nôm sở hữu kiến trúc ấn tượng, cổ kính với thiết kế theo hình chữ Đinh mang ý nghĩa kiên định, kiên cố. Nguồn: Kinh tế Môi trường

Chùa Nôm có gì đặc biệt?

Khu vực Cổng tam quan

Khi muốn vào chùa Nôm, khách du lịch sẽ phải đi qua cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng. Đây là cây cầu in bóng dưới dòng sông Nguyệt Đức, có tuổi đời hơn 200 năm. Bước qua cầu, du khách sẽ thấy cánh cổng tam quan được xây dựng hoành tráng, cổ kính. Đây là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn check-in khi đến chùa. Cổng tam quan của ngôi đại tự này từng được mệnh danh là cánh cổng tam quan to và cao nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Cổng tam quan của ngôi chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ nâu, bên trên mái đỏ hình vảy cá mang đặc trưng của chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ. Cổng được thiết kế theo kiểu hai tầng tám mái với những hoa văn được chạm trổ một cách mềm mại tinh xảo. Bạn cũng có thể bước theo cầu thang gỗ hai bên lên gác mái để chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh chùa. 

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-3
Khi muốn vào chùa Nôm, khách du lịch sẽ phải đi qua cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng. Ảnh: sưu tầm

122 pho tượng phật có tuổi đời hàng trăm năm 

Đến thăm chùa Nôm Hưng Yên, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều di vật quý báu như các bức hoành phi câu đối; những bài khấn nôm cổ… Nổi bật nhất chính là 122 pho tượng bằng đất nung có tuổi đời hàng trăm năm, với các kích thước khác nhau, có pho tượng cao đến 3m.

Các bức tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm: tượng A Di Đà, Phật bà, Tam thánh, Tam thế, Bát bộ kim cương, Thập bát la hán,… Ngoài ra, còn có những pho tượng miêu tả cụ thể quá trình phát triển của Phật giáo qua những giai đoạn trong cuộc đời. Du khách có thể chiêm ngưỡng những pho tượng cổ này trong không gian linh thiêng của Tòa Tam Bảo. Đại đức Thích Đồng Huệ, trụ trì của chùa còn cho biết thêm theo đánh giá của các nhà khoa học, với những nếp nhăn trên áo và một số đặc trưng khác trong tạo tác, những bức tượng ở chùa Nôm được coi là tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ 18.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-4
Đến thăm chùa Nôm Hưng Yên, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều pho tượng cổ. Nguồn: VnExpress

Khu vườn tháp cổ kính

Sau khi dâng hương, du khách có thể vãn cảnh tại khu vườn tháp cổ của chùa. Khu vườn này có tất cả 8 tháp, gồm 3 tầng đồ sộ. Đây là những tháp đá tuyệt đẹp từ thế kỷ 18 nhưng vẫn đứng vững trước thách thức của thời gian.Phía trước chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự uy nghiêm của tháp chuông cổ cao 3 tầng nằm ở bên phải, đối diện khu lầu trống. Tháp chuông được làm hoàn toàn bằng gỗ với thân cột kèo lớn, vô cùng vững chắc. Nếu bạn muốn đến lầu Quan Âm để chiêm bái, dâng hương thì bạn phải đi qua cây cầu đá hình cánh cung nhé.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-5
Sau khi dâng hương, du khách có thể vãn cảnh tại khu vườn tháp cổ của chùa. Ảnh: sưu tầm

Thời gian diễn ra lễ hội chùa Nôm

Hội chùa Nôm trùng với dịp lễ lớn của làng, diễn ra vào ngày mùng 10, 11, 12 tháng Giêng hàng năm.

Đến chùa vào dịp lễ hội, du khách có thể tham dự, chiêm ngưỡng ngày lễ rước nước, nghi thức bao sái cho thành hoàng, được tổ chức một cách vô cùng long trọng. Những nghi thức trong phần lễ được thực hiện theo đúng với truyền thống từ xa xưa. Kết thúc phần lễ, nhà chùa cũng tổ chức tiệc cỗ chay để mời các phật từ và du khách thập phương đã về dâng hương và ghé thăm ngôi chùa.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-6
Hội chùa Nôm trùng với dịp lễ lớn của làng, diễn ra vào ngày mùng 10, 11, 12 tháng Giêng hàng năm. Ảnh: sưu tầm

Phương tiện di chuyển đến chùa Nôm

Chùa Nôm khá gần Hà Nội, chỉ cách khoảng 30km nên bạn có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện di chuyển. 

Di chuyển bằng xe cá nhân

Từ Hà Nội, bạn hãy di chuyển dọc theo quốc lộ 5 là đến địa phận tỉnh Hưng Yên. Sau đó, khi đến trung tâm huyện Văn Lâm, bạn đi tiếp thêm 3km là đến làng Nôm. Vì chùa Nôm nằm sâu trong làng, đường vào chùa cũng khá nhỏ nên bạn cân nhắc chọn di chuyển bằng xe máy cho thuận tiện nhất.

Cách di chuyển bằng xe buýt

Nếu di chuyển bằng xe bus, bạn chọn tuyến 208 Hà Nội – Hưng Yên khởi hành từ bến Giáp Bát đến ngã tư Như Quỳnh. Sau đó, bạn tiếp tục bắt chuyến xe bus Lương Tài 01 của tỉnh Hưng Yên. Đến điểm dừng ngã rẽ vào làng Nôm, bạn đi bộ thêm vài trăm mét nữa là đến nơi.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-7
Chùa Nôm khá gần Hà Nội, chỉ cách khoảng 30km nên bạn có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện di chuyển. Nguồn: Người đưa tin

Một số lưu ý khi đến chùa Nôm

Khi đến chùa Nôm, bạn cần lưu ý một số điều sau nhé:

  • Bạn cần lưu ý lựa chọn trang phục lịch sự, gọn gàng, tuyệt đối không mặc trang phục phản cảm, hở hang, không đúng thuần phong mỹ tục.

  • Chú ý đi nhẹ, nói khẽ, không tụ tập gây mất trật tự nơi cửa chùa.

  • Sắm lễ viếng chùa cầu an, cầu may tùy theo lòng thành tâm, tuy nhiên bạn lưu ý khi sắm lễ dâng lên Phật thì không dâng lễ mặn vào các ban thờ Phật.

  • Khi vào chùa, bạn nên đi vào theo 2 lối cửa phụ, không nên đi vào lối cửa chính.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-8
Khi vào chùa, bạn nên đi vào theo 2 lối cửa phụ, không nên đi vào lối cửa chính. Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị

Một số ngôi chùa nổi tiếng khác ở Hưng Yên 

Chùa Phúc Lâm

Chùa Phúc Lâm tọa lạc ở thôn La Mát, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đây là một trong các ngôi chùa được du khách thập phương ghé thăm nhiều nhất trong tỉnh nhờ vào kiến trúc độc đáo, ấn tượng, được ví von như xứ chùa vàng Thái Lan. Ngôi chùa nằm trên vùng đất rộng khoảng 4ha, bao xung quanh là khuôn viên rộng rãi trồng nhiều cây xanh, tiểu cảnh và hồ nước. Phía sau là cánh đồng bát ngát mang nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Kết cấu chùa Phúc Lâm gồm toà Tiền đường và toà Thượng điện, bao gồm 4 tòa tháp, có nhiều pho tượng Phật lớn, mang vẻ thiêng liêng, uy nghiêm nhưng cũng không kém phần thanh tịnh.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-9
Chùa Phúc Lâm được ví như chùa vàng Thái Lan. Nguồn: Digiticket

Chùa Chuông 

Bên cạnh chùa Phúc Lâm thì chùa Chuông cũng là một ngôi chùa ở Hưng Yên rất nổi tiếng. Chùa nằm trong quần thể di tích phố Hiến sầm uất một thời, hiện tọa lạc ở thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Tương truyền ngôi chùa được xây dựng từ đời vua Trần Thái Tông, do Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” đặc trưng của thời Hậu Lê, bao gồm tiền đường, thượng điện, thiên hương và ba mặt hành lang.

Hiện nay, hầu như các kiến trúc của chùa vẫn được giữ nguyên vẹn. Các tượng phật, bia đá cũng rất đa dạng, được đúc từ thế kỉ 19. Điểm nổi bật ở chùa Chuông chính là việc Thượng điện đặt bàn thờ tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay cùng tứ vị Bồ tát. Điều này đã thể hiện tâm lý sùng bái vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển. Năm 1992, ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Và hiện nay, chùa Chuông là một trong 16 di tích thuộc di tích quốc gia. 

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-10
Chùa nằm trong quần thể di tích phố Hiến sầm uất một thời. Nguồn: Báo Lao Động

Chùa Thái Lạc

Chùa Thái Lạc có địa chỉ ở thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, được xây dựng từ thời Trần (1225-1400). Chùa còn có tên gọi khác là chùa Pháp Vân bởi bên cạnh thờ Phật, chùa còn thờ Thần Vân (thần Mây) – một trong bốn vị thần Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Chùa Thái Lạc là một trong ba công trình kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất Việt Nam, có hệ thống tượng được bài trí theo kiểu “Tiền thánh hậu phật”, tượng Tứ pháp được đặt lên trên tượng Phật.

chua-nom-tiep-thi-gia-dinh-11
Chùa Thái Lạc còn có tên gọi khác là chùa Pháp Vân bởi bên cạnh thờ Phật, chùa còn thờ Thần Vân. Ảnh: sưu tầm

Nếu có dịp ghé thăm Hưng Yên, bạn đừng bỏ lỡ chùa Nôm nhé. Chắc chắn bạn sẽ tìm được sự thanh tịnh, nhẹ nhàng trong tâm hồn khi đến nơi đây.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục