Thứ sáu, 27/01/2023, 07:28 (GMT+7)

Hành trình tìm về đất Phật tại lễ hội Yên Tử

(Tiepthigiadinh) - Lễ hội Yên Tử là một trong những lễ hội quan trọng của người Việt, mang ý nghĩa tâm linh và giá trị văn hoá, lịch sử được hình thành cách đây 700 năm.

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm

Với hệ thống di tích hàng trăm chùa, am, tháp cổ kính, linh thiêng và lễ hội tâm linh ý nghĩa, trung bình mỗi năm Yên Tử đón khoảng 2 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái vào cả bốn mùa trong năm thay vì vào lễ hội mùa Xuân. 

Nguồn gốc ra đời của lễ hội Yên Tử 

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh
Lối đi lên chùa Đồng, Yên Tử

Vùng núi Yên Tử ở xã Thượng Yên Công cách trung tâm thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) khoảng chừng 14 km. Trước đây, người ta gọi núi Yên Tử là núi Voi bởi hình dáng ngọn núi tựa như một con voi khổng lồ. Trong sử sách ghi lại, Yên Tử còn có tên là Bạch Vân Sơn  bởi quanh năm núi chìm trong mây trắng.

Các triều đại vua chúa xếp Yên Tử vào hạng "danh sơn" của nước ta. Đây là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. 

Gần 1000 năm trước, sử sách đã ghi lại rằng, Yên Tử được coi là "phúc địa thứ 4 của Giao Châu". Nhiều tài liệu cũ đều thống nhất ghi nhận "Năm Tự Ðức thứ 3, núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điện thờ ".

Phải chăng, chính sự linh thiêng huyền bí ấy mà từ xưa các tín đồ đạo phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Cũng vì thế mà từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi này tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa tháp và nhiều công trình khác.

Đặc biệt tại thời Trần, vua Trần Thái Tông đã đầu tư xây dựng Yên Tử thành khu quần thể kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn. Sau đó, Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân kháng chiến giành đại thắng trước quân Nguyên-Mông, mang lại thanh bình cho đất nước, vào lúc đất nước thái bình, vua nhường ngôi cho con lên núi Yên Tử tu hành.

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh-2

Năm 1299 (cách đây hơn 700 năm), Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm mang Phật danh Ðiều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả 3 vị được gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 12, 13, 14.

Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng trải dài gần 20km tạo thành Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.

Không biết lễ hội Yên Tử được hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ thế kỷ 17-18, trên đỉnh Yên Tử, ở độ cao 1.068m đã hiện diện một ngôi chùa (Thiên Trúc Tự) mái lợp ngói đồng, trong chùa có 2 tượng đồng, cạnh chùa là một phiến đá lớn bằng phẳng được gọi là Bàn cờ Tiên cùng với một chữ Phật khối lớn khắc vào vách đá...Tất cả đều nói lên sự linh thiêng, huyền bí và sức cuốn hút kỳ diệu của Yên Tử.

Thời gian diễn ra lễ hội Yên Tử 

Chính thức khai mạc vào ngày mùng 10 tháng Giêng tại Lễ trường Giải Oan với nhiều hoạt động: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, lễ khai ấn "Dấu Thiêng Yên Tử", những màn diễn xướng tái hiện lại sự tích lịch sử, huyền thoại về Tam Tổ Trúc Lâm, múa rồng lân, võ thuật cổ truyền và các trò chơi dân gian khác.

Lễ hội Xuân Yên Tử diễn ra suốt ba tháng mùa Xuân, từ sau Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam đến hết tháng Ba âm lịch, đã trở thành truyền thống, mang tầm vóc lễ hội cấp quốc gia, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dự hội mỗi năm.

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh-3
Du khách chiêm bái tại Yên Tử

Những ngày lễ chính tổ chức tại các cơ sở tự viện:

- Ngày 23 tháng Giêng âm lịch: Giỗ Đệ tam Tổ Huyền Quang;

- Ngày 18 tháng Hai âm lịch: Giỗ Thiền sư Chân Nguyên;

- Ngày 03 tháng Ba âm lịch: Giỗ Đệ nhị Tổ Pháp Loa;

- Ngày 15 tháng Tư âm lịch: Đại Lễ Phật Đản;

- Ngày 15 tháng Bảy âm lịch: Đại Lễ Vu Lan;

- Ngày 01 tháng Mười một âm lịch: Quốc Giỗ Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Nghi thức của lễ hội Yên Tử 

Phần lễ 

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh-4
Cung Trúc Lâm là công trình được thiết kế hài hòa với thiên nhiên.

Lễ khai hội Yên Tử sẽ được bắt đầu diễn ra vào sáng mùng 10 tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với những phần lễ trang nghiêm, mang ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc. Tại đây, các vị chư tăng hòa thượng sẽ tiến hành thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an. Tiếp đến, các đại biểu sẽ lần lượt thực hiện đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử.

Để lễ hội thêm phần đặc sắc, những tiết mục văn nghệ quy mô với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh sẽ được đan xen, cùng hòa chung không khí đón mùa lễ hội suôn sẻ. Ngoài ra, phần lễ lúc này còn các hoạt động thú vị khác nhau thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm vô cùng đặc sắc.

Phần hội

Sau khi kết thúc nghi lễ khai hội, bạn sẽ được tham quan khu Trung tâm lễ hội Yên Tử, thượng sơn lễ Phật, làng hành hương hoặc tham gia các trò chơi dân gian vô cùng ấn tượng như: ném còn, kéo co, chọi gà, giải cờ tướng kỳ vương Yên Tử,... Hay thưởng thức các màn trình diễn độc đáo như: Văn nghệ truyền thống tại khu vực đình làng hành hương Yên Tử, võ thuật cổ truyền, nghệ thuật múa rồng.

Hoạt động hành hương lễ Phật

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh-5
Phật tử hành hương lên Yên Tử

Ngoài ra, lúc này sẽ có hàng ngàn người bắt đầu cuộc hành hương lễ phật theo từng dòng, họ lần lượt di chuyển đến đỉnh núi Yên Tử. Đây là nơi có ngôi chùa Đồng linh thiêng, cổ kính, đoạn đường di chuyển lên đây khá gập ghềnh, uốn lượn, rợp bóng mát dưới những bóng cây cổ thụ to lớn và có cả những làn sương khói mờ ảo, cứ ngỡ như đang đi vào cõi Phật.

Dọc đoạn đường chinh phục núi Yên Tử được ước tính có khoảng hơn 11 ngồi chùa và hàng chục am, tháp. Đặc biệt, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngọn tháp cao 3 tầng được xây dựng bằng đá có niên đại cổ nhất vào năm 1758, hoặc ghé đến suối Giải Oan tại chùa Giải Oan - nơi gắn liền với hàng trăm câu chuyện cung nữ xưa kia đã trẫm mình xuống dòng nước đấy, để tỏ lòng thành với vua Trần Nhân Tông,… 

Ý nghĩa lễ hội Yên Tử 

Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tâm linh quý báu, Yên Tử là một điển hình cho việc huy động tốt mọi nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị di sản. Tính trong khoảng 10 năm qua, gần 3.000 tỉ đồng đã được đổ về Yên Tử để đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan du lịch như: Làng Nương, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử, tuyến đường vào khu di tích…

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh-6
Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử

Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các pho sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành như: Thiền tâm thiết chủy ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hóa phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc, góp phần vào tên gọi “Kinh đô Phật giáo” Việt Nam của Yên Tử.

Bên cạnh đó, vùng núi Yên Tử còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như tùng, trúc, mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

Trước những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang cùng Bắc Giang và Hải Dương, là các địa phương có chung không gian quần thể Yên Tử, tiến hành làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.

Những hoạt động thú vị trong lễ hội Xuân Yên Tử 2023 

Lễ hội Xuân Yên Tử 2023 sẽ được bắt đầu khai hội vào ngày mồng 10 tháng Giêng năm Quý Mão tại Trung tâm tổ chức lễ hội - Cung Trúc Lâm (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí) và được kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. 

Ban Tổ chức Lễ hội Xuân Yên tử 2023 cho biết, lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...

le-hoi-yen-tu-tiepthivagiadinh-7
Hoạt động dâng hương tại lễ hội Yên Tử

Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hoá Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử;…

Về Khu di tích và danh thắng Yên Tử hành hương lễ Phật, nhân dân và du khách không chỉ được hoà mình với thiên nhiên, ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của non thiêng Yên Tử mà còn có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm du lịch như: Chăm sóc sức khoẻ từ các bài thuốc của đồng bào Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử; trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của thành phố và các địa điểm check-in đẹp, ấn tượng như: Đỉnh Phượng Hoàng – Phường Bắc Sơn, đỉnh Bình Hương – phường Vàng Danh, khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung, vườn hoa...

Cùng chuyên mục