Thứ hai, 09/10/2023, 10:20 (GMT+7)

Hàng triệu thuê bao bị khóa, thu hồi để chuẩn hóa thông tin

Tính đến ngày 30/8, có đến 3,172 triệu thuê bao bị khoá 1 chiều, 4,8 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều và 1,8 triệu thuê bao đã bị thu hồi.

Xử lý triệt để tình trạng SIM không chính chủ, ngăn chặn tối đa việc xuất hiện các tin nhắn và cuộc gọi “rác” là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi báo cáo lên Quốc hội. 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có báo cáo của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông trong nhiệm kỳ khóa XIV và nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Hơn 4,8 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều

Theo đó, trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tổ chức thanh tra, xử phạt hơn 2,9 tỷ đồng với 7 doanh nghiệp cùng 39 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Bộ đã ban hành 2 lần văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh với những cá nhân đứng đầu doanh nghiệp đã xảy ra vi phạm quản lý thông tin thuê bao. Chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan Công an để kịp thời điều tra, xử lý. 

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông di động nhanh chóng kết nối, xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Qua quá trình xác thực, có hơn 125 triệu thuê bao được đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, hơn 108 triệu thuê bao (chiếm 86,53%) có thông tin trùng khớp. Còn lại, gần 17 triệu thuê bao chưa trùng khớp được Bộ TT&TT chỉ đạo triển khai rà soát, chuẩn hoá thông tin.

thue-bao-bi-khoa
Các thuê bao di động được đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh: Freepik)

Tính đến ngày 30/08/2023, toàn bộ 17 triệu thuê bao chứa thông tin chưa trùng khớp đã được xử lý. Cụ thể có: 7,2 triệu thuê bao được chuẩn hóa; 3,172 triệu thuê bao bị khóa 1 chiều; hơn 4,8 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều; hơn 1,8 triệu thuê bao bị thu hồi.

Trong tháng 10 này, nếu chủ thuê bao bị khóa 1 chiều trước đó không thực hiện chuẩn hóa thông tin theo đúng quy định, doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành khóa 2 chiều.

Áp dụng công nghệ khi đăng ký, phát triển SIM mới

Các doanh nghiệp viễn thông bao gồm Viettel, VNPT và MobiFone đã thực hiện đối soát, xác thực trực tuyến thông tin của các thuê bao mới với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các doanh nghiệp khác cũng đang thực hiện đối soát, xác thực hàng tháng.

Bộ TT&TT theo dõi, giám sát tình trạng của các cuộc gọi rác thông qua hệ thống (đầu số 5656, 156 và website). Bộ cũng phối hợp cùng cơ quan báo chí, nhà mạng trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân về việc phòng, chống, xử lý SIM bị sai lệch thông tin. Đồng thời, đề nghị người dân phối hợp để chuẩn hóa thông tin thuê bao và cảnh báo đến người dùng những phương thức, thủ đoạn phát tán tin nhắn, cuộc gọi “rác”. 

Ngoài tin nhắn “rác” qua mạng viễn thông truyền thống, những tin nhắn “rác” ở trên Internet, OTT (Zalo, Messenger,..) cũng xuất hiện rất nhiều. Bên cạnh đó, việc giả mạo trạm thu phát sóng để phát tán tin nhắn “rác” cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, xử lý. 

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Bộ TT&TT sẽ xem xét xử lý những trường hợp vi phạm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ phát triển thuê bao mới. Hoàn thiện quy định về công tác quản lý thông tin thuê bao, đặc biệt là các thuê bao đăng ký sở hữu nhiều hơn 3 SIM. Buộc doanh nghiệp viễn thông phải áp dụng công nghệ (video call, ekyc,…) trong hoạt động đăng ký, phát triển SIM mới. Quy định chặt chẽ hơn đối với trách nhiệm của chủ thuê bao khi muốn chuyển cho người khác sử dụng.

Song song với đó, Bộ TT&TT sẽ tăng cường giám sát, điều hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn, cuộc gọi “rác”. Với những tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đơn vị sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng để điều tra, xử lý. 

Cùng chuyên mục