Thứ hai, 04/03/2024, 15:57 (GMT+7)

Hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới muốn vào thị trường Việt Nam

Nguồn tin từ Bloomberg cho biết, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới - AirAsia đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông Tony Fernandes - ông chủ hãng bay giá rẻ AirAsia cho biết, công ty đang tìm cách thâm nhập vào hai thị trường lớn trong khu vực châu Á là Singapore và Việt Nam. Theo đó, hãng bay chấp nhận từ bỏ vị thế đứng đầu tại "sân nhà" Malaysia để từng bước chinh phục thị trường mới. 

Hiện AirAsia đang khai thác hơn 300 chuyến bay hàng tuần đến và đi từ Việt Nam, gồm các đường bay đến Thái Lan và Malaysia. Tuy vậy, tham vọng mở một hãng bay giá rẻ ở thị trường Việt Nam vẫn được AirAsia ấp ủ hơn chục năm nay. Trước đây, hãng đã 4 lần lên kế hoạch thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam nhưng đều thất bại. 

Việt Nam là thị trường quan trọng của AirAsia ở Đông Nam Á - VnExpress Du lịch
AirAsia đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam. (Ảnh: AirAsia)

Năm 2005, sau khi hãng hàng không Pacific Airlines (tiền thân của Jetstar Pacific hiện nay) quyết định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, AirAsia đã gửi Bộ Tài chính đề án xin góp cổ phần với hãng hàng không Việt Nam.

Theo đó, AirAsia bày tỏ mong muốn hỗ trợ về công nghệ, quản lý và đào tạo nhân viên của Pacific Airlines tại trụ sở Malaysia. Về phía Pacific Airlines, hãng bay giá rẻ của Maylaysia kiến nghị Pacific Airlines hoạt động theo phương thức hàng không giá rẻ với giá cước vận chuyển khoảng 15 USD cho một giờ bay.

Khi đó, dù chưa biết đề án có được chấp thuận hay không, ông chủ Tony Fernandes của AirAsia không giấu tham vọng hiện diện tại thị trường Việt Nam khi chia sẻ: "Nếu kế hoạch thất bại, một ngày không xa sẽ thành lập liên doanh khai thác hàng không giá rẻ tại Việt Nam".

Đúng như dự cảm, AirAsia đã lỡ hẹn với thị trường Việt Nam khi không đảm bảo được điều kiện liên doanh góp vốn cùng Pacific Airlines.

Ngay sau khi thương vụ đầu tiên thất bại, Tony Fernandes lập tức tìm kiếm một đối tác khác tại Việt Nam. Tháng 8/2007, AirAsia ký thỏa thuận cùng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập liên doanh hàng không dự kiến có vốn khoảng 30 triệu USD. 

Theo thỏa thuận, AirAsia sẽ hỗ trợ liên doanh giành được các hợp đồng mua máy bay với giá cạnh tranh, vận hành theo mô hình một hãng bay giá rẻ. Còn Vinashin có trách nhiệm giúp liên doanh được Chính phủ phê duyệt và các nhà quản lý cấp phép hãng bay mới. 

Tuy nhiên, thương vụ này cũng không thể diễn ra theo ý muốn của AirAsia do Chính phủ không cho phép Vinashin tham gia phát triển và kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng không.

Đến cuối năm 2010, AirAsia tiếp tục thất bại trong kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam khi thông báo dừng tham gia vào dự án của Vietjet vì không đạt được thỏa thuận về việc sử dụng thương hiệu AirAsia trong các hoạt động thương mại với nhà chức trách Việt Nam. 

Gần đây nhất là thương vụ cùng Gumin và Hải Âu vào năm 2019. Theo đó, AirAsia Investment, Gumin và Hải Âu đã chấm dứt nghĩa vụ có liên quan đến thỏa thuận thành lập liên doanh hãng hàng không tại Việt Nam.

Thành lập vào năm 2001, AirAsia nhanh chóng vươn lên trở thành hãng hàng không giá tẻ lớn nhất Đông Nam Á và có chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới. Năm 2023, AirAsia được bình chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới lần thứ 14 liên tiếp tại Giải thưởng Hàng không thế giới Skytrax.

Hiện AirAsia đang hoạt động tại Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia với quy mô đội bay lên tới 200 máy bay với lịch trình đến hơn 166 điểm đến trải rộng trên 25 quốc gia.

Cùng chuyên mục