Giá xăng dầu hôm nay 16/7: Thế giới đồng loạt giảm nhẹ
Giá xăng dầu hôm nay 16/7 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu hôm nay trong nước
Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16/7 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh giá từ 15h ngày 11/7 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 179 đồng/lít, xuống còn 22.282 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 258 đồng/lít xuống còn 23.294 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu điêzen 0.05S giảm 342 đồng/lít, xuống còn 20.834 đồng/lít; dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, xuống còn 21.038 đồng/lít. Tuy nhiên, dầu madút 180CST 3.5S lại tăng 250 đồng/kg, lên mức 17.784 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 28 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 12 kỳ tăng đồng loạt, 7 kỳ giảm giá, 9 kỳ giảm giá xăng dầu tăng - giảm đan xen.
Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới, giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm. Trong đó xăng giảm 200 - 300 đồng/lít, dầu giảm 200 đồng/lít.
Giá xăng dầu hôm nay thế giới
Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, dữ liệu từ Oilprice cho hay, mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 16/7 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 81,96 USD/thùng, giảm 0,36% (tương đương giảm 0,30 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 84,90 USD/thùng, giảm 0,15% (tương đương giảm 0,13 USD/thùng).
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch hôm nay khi lo ngại về nhu cầu từ nước nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc lấn át tin tức kinh tế tích cực của Mỹ, việc hạn chế nguồn cung của OPEC+ và căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, dữ liệu của Trung Quốc bao gồm hoạt động lọc dầu và nhập khẩu dầu thô không hỗ trợ, nhưng nhu cầu tăng trưởng ở những nơi khác vẫn lành mạnh. Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm 3,7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm trong tháng thứ ba do hoạt động bảo trì theo kế hoạch, trong khi biên lợi nhuận chế biến thấp hơn và nhu cầu nhiên liệu ảm đạm đã thúc đẩy các nhà máy độc lập cắt giảm sản lượng.
Tại Mỹ, thị trường tập trung vào vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump, đẩy đồng USD tăng cao. Thêm vào đó, bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng số liệu lạm phát trong quý 2 làm gia tăng tự tin về tốc độ tăng giá đang quay trở lại mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Mỹ một cách bền vững cho thấy khả năng Fed cắt giảm lãi suất có thể không còn xa. Công cụ FedWatch của CME cho thấy, thị trường đang định giá 94,4% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 9, sau dữ liệu hồi tuần trước rằng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 của Mỹ giảm tháng đầu tiên sau 4 năm, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Tại Trung Đông, căng thẳng địa chính trị tiếp tục hỗ trợ giá dầu, mặc dù công suất dự phòng dồi dào của Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạn chế khả năng hỗ trợ giá.
Liên quan đến nguồn cung, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết sẽ bù đắp tình trạng sản xuất dư thừa kể từ đầu năm 2024. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ cân bằng trong nửa cuối năm và sau đó nhờ thỏa thuận sản lượng của OPEC+.
OPEC+ đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường. Nhóm này đã nhất trí vào ngày 2/8 sẽ gia hạn đợt cắt giảm mới nhất là 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 9 và dần dần loại bỏ từ tháng 10. Cũng theo Phó thủ tướng Nga, Moscow có thể quyết định khôi phục lệnh cấm xuất khẩu xăng từ tháng 8 nếu thị trường nhiên liệu trong nước thiếu hụt nguồn cung.