Thứ sáu, 12/07/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 13/7: Lao dốc sau dữ liệu tâm lý người tiêu dùng Mỹ

Giá xăng dầu hôm nay 13/7 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang13

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13/7 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh giá từ 15h ngày 11/7 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 179 đồng/lít, xuống còn 22.282 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 258 đồng/lít xuống còn 23.294 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu điêzen 0.05S giảm 342 đồng/lít, xuống còn 20.834 đồng/lít; dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, xuống còn 21.038 đồng/lít. Tuy nhiên, dầu madút 180CST 3.5S lại tăng 250 đồng/kg, lên mức 17.784 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 28 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 12 kỳ tăng đồng loạt, 7 kỳ giảm giá, 9 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice, mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 13/7 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 82,18 USD/thùng, giảm 0,50% (tương đương giảm 0,41 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 85,24 USD/thùng, giảm 0,19% (tương đương giảm 0,16 USD/thùng).

Giá dầu thế giới quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay khi các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu tâm lý người tiêu dùng yếu hơn ở Mỹ so với hy vọng ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1,7%, giá dầu WTI giảm 1,1%.

Theo Reuters, kết quả một cuộc khảo sát hàng tháng của Đại học Michigan cho thấy trong tháng này, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, mặc dù kỳ vọng lạm phát đã được cải thiện cho năm 2025 và những năm sau đó. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 6 tăng 0,2%, cao hơn so với dự kiến, do chi phí dịch vụ tăng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Theo nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group, lãi suất thấp hơn dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó có thể làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu. Cùng đó, Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG cho hay, số liệu lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt có thể hỗ trợ cho lập luận rằng Fed nên khởi động quá trình nới lỏng chính sách sớm hơn dự kiến.

Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM nhận xét, rõ ràng là đợt giảm giá gần đây đã kết thúc, mặc dù tốc độ tăng tiếp theo có thể bị cản trở bởi lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Quốc giảm với mức giảm mạnh 11% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm một xuống còn 478 trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, theo thông tin từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Dù vậy, hạn chế đà giảm trong phiên là dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/7 đạt 9,4 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2019. Nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ đã khuyến khích các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và khai thác từ các kho dự trữ dầu thô. Dấu hiệu nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng gây sức ép lên giá.

Cùng chuyên mục