Thứ năm, 23/11/2023, 09:42 (GMT+7)

Giá điện còn 5 bậc, người tiêu dùng lợi hay thiệt?

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới được đề xuất giảm từ 6 bậc hiện hành xuống còn 5 bậc, với mức giá cao nhất là hơn 3.612 đồng/KWh.

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế cho Quyết định 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thay đổi lớn tại lần sửa đổi này là rút ngắn số bậc trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, theo Người lao động.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt còn 5 bậc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỉ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể: Bậc 1 (mức sử dụng điện từ 0 - 100 KWh) có giá là 1.806,11 đồng/KWh; bậc 2 (101 - 200 KWh) có giá 2.167,33 đồng/KWh; bậc 3 (201 - 400 KWh) có giá 2.729,23 đồng/KWh; bậc 4 (401 - 700 KWh) có giá là 3.250,99 đồng/KWh và bậc 5 (từ 701 KWh trở lên) có giá 3.612,22 đồng/KWh. 

thong-tu-gia-dien-cua-evn
Giá bán lẻ điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc thang theo đề xuất mới. Ảnh minh họa

Giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ 9-11). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806,11 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612,22 đồng một kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.

Trên cơ sở thiết kế các bậc, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại nhằm thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. 

Cụ thể, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 KWh nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 KWh và trên 700 KWh. Ngoài ra, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 - 200 KWh và 201 - 300 KWh. 

"Giá điện cho các bậc từ 401 - 700 KWh và từ 701 KWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp" - Bộ Công Thương nêu rõ.

Cũng theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án điều chỉnh giảm bậc này là đơn giản, người dân dễ hiểu. Còn việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn là để phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Bộ Công Thương đưa ra ví dụ: Một hộ gia đình sử dụng 300 KWh/tháng, với quy định hiện hành, số tiền điện phải trả là 673.200 đồng, còn theo phương án điều chỉnh là 670.277 đồng. Như vậy, số tiền phải trả hằng tháng của hộ sử dụng 300 KWh/tháng thay đổi không đáng kể giữa quy định hiện hành và phương án đề xuất.

Từ đó, bộ này cho rằng mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối. Tuy vậy các hộ dùng điện nhiều từ trên 701kWh/tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) sẽ phải trả tăng tiền điện mỗi tháng.

Cùng chuyên mục