Thứ năm, 09/11/2023, 16:50 (GMT+7)

Giá điện chính thức tăng từ ngày 9/11

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. 

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã gửi tờ trình về dự thảo sửa đổi Quyết định 24 của Thủ tướng liên quan đến cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với mức đề xuất tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện hiện hành. Với mức tăng 4,5% trong lần điều chỉnh này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm.

masan (77)
Giá điện tăng 4,5% từ hôm nay (9/11). (Ảnh: EVN)

Nguyên nhân tăng giá điện được xác định do áp lực từ các chi phí đầu vào. Cụ thể, trong Báo cáo gửi Thủ tưởng và các bộ ngành mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chi phí sản xuất điện tính đến tháng 10 tiếp tục biến động mạnh do chi phí đầu vào đang gia tăng rất mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn.

Theo EVN, ước tính cả năm nay, sản lượng phát thực tế của thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh. Nếu so sánh với thực tế đã thực hiện năm 2022, sản lượng thủy điện giảm 22,5 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng 28,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 2,8 tỷ kWh.

Việc giá than, giá khí liên tục giữ ở mức cao trong khi sản lượng phát thực tế của thủy điện suy giảm và lượng điện phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo gia tăng càng khiến giá thành sản xuất điện tăng mạnh. Bên cạnh đó, sự tăng vọt từ thị trường ngoại tệ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. 

Điều này dẫn đến tình trạng giá điện sản xuất bán ra thấp hơn so chi phí sản xuất. Cụ thể, giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. 

Theo báo cáo, số lỗ 6 tháng đầu năm của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng, còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong năm 2023, EVN đã 2 lần điều chỉnh tăng giá điện (lần thứ nhất ở mức 3% vào ngày 4/5/2023). Trước đó, giá điện đã được điều chỉnh 3 lần vào năm 2017 với 6,08%; năm 2019 là 8,36% trên cơ sở quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ kể từ năm 2017.

Cùng chuyên mục