Thứ bảy, 21/10/2023, 07:34 (GMT+7)

Đưa văn hóa bản làng xuống phố

Thùy Dương (Tiếp thị & Gia đình)

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, cộng đồng hơn 150 bà con dân tộc Tày đã khôi phục một không gian bản làng nhà sàn của dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên) mang tên Bản làng Thái Hải.

Bảo tồn nét đẹp truyền thống người Tày

Bản làng Thái Hải, tên đầy đủ: Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải, là điểm đến văn hóa tiêu biểu của vùng đất Thái Nguyên. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, bản làng Thái Hải đã và đang bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày, từ trang phục dân tộc, âm nhạc dân gian, ẩm thực dân tộc đến các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, giữ gìn lối sống, sinh hoạt gia đình theo đúng phong tục văn hóa cổ truyền của người đồng bào dân tộc Tày.

11697809970.jpeg
Một nghi lễ tại bản làng của bà con dân tộc Tày.

Nhờ lưu giữ được những vẻ mộc mạc, dung dị và gần gũi ấy, Bản làng Thái Hải đã thành công trong hành trình đưa văn hóa bản làng xuống phố.

Bản làng Thái Hải đã nhận được đánh giá cao qua những giải thưởng danh giá: một trong 32 làng đạt danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất” do Tổ chức du lịch thế giới công nhận năm 2022; các giải thưởng Du lịch ASEAN về du lịch bền vững và du lịch cộng đồng…

21697809970.jpeg
Đại diện Bản làng Thái Hải nhận giải Làng du lịch tốt nhất.

Sự kiện “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” - một trong những nét văn hóa đặc trưng, đại diện cho dân tộc Tày mà Thái Hải đang bảo tồn, gìn giữ - đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải xúc động: “Chúng tôi vui và hạnh phúc vì điều đó. Trong tương lai, theo kỳ vọng của cộng đồng Bản làng Thái Hải, chúng tôi mong muốn sẽ phục hồi trọn vẹn, đầy đủ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày từ thời xa xưa, để truyền lại cho thế hệ trẻ và đem lại cho du khách những trải nghiệm, ấn tượng độc đáo hơn, đặc sắc hơn khi đến với Bản làng”.

Thư thái với không gian thiên nhiên

Đến với Bản làng Thái Hải, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm các phong tục tập quán, các nghi lễ và hòa mình vào không gian thiên nhiên xanh đậm chất bản xứ. Đó là những phút giây tận hưởng, thư thái khi được nghỉ ngơi trên những ngôi nhà sàn cổ, hay thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống người Tày.

31697809970.jpeg
Bốn thế hệ tại bản làng.

Người dân nơi đây chào đón du khách bằng tình yêu thương, bằng lối sống mộc mạc, giản dị nhưng luôn tràn đầy năng lượng của người đồng bào dân tộc Tày. Họ quý trọng thiên nhiên Trời Đất, sống cộng đồng quần tụ, gắn bó “ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền”.

Sau hai thập kỷ làm du lịch, người dân nơi đây vẫn bảo tồn được cánh rừng hơn 20 ha, thấp thoáng nếp nhà sàn người Tày với hơn 30 ngôi nhà sàn truyền thống được 4 thế hệ dân bản dày công khôi phục. Mỗi một ngôi nhà sàn là một nét đặc sắc kiến trúc cổ, là một câu chuyện lịch sử thời kỳ kháng chiến và nay cũng là nơi nếp văn hóa Tày được gìn giữ và bảo tồn.

41697809970.jpeg
Trao truyền nét văn hóa đánh đàn tính, hát then.

Các phong tục lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian như làm bánh, nấu rượu, sao chè, đan lát... đã tạo được sức hút với du khách. Cùng với đó, nơi đây vẫn bảo tồn được các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng), tết Cơm Mới, lễ Cúng Mụ, Lễ cầu an, lễ vào nhà mới, lễ đầy tháng, các trò chơi tung còn, đi cà kheo...

Thay đổi đời sống bà con dân bản

Chung tay và đoàn kết lưu giữ giá trị truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch đã góp phần “thay da đổi thịt” vùng đất vốn còn nhiều khó khăn. Từ khi phát triển du lịch, người dân nơi đây đã có thêm nguồn lực tài chính để cải thiện đời sống, tiếp tục khôi phục các nét đẹp văn hóa đã bị lãng quên, đem lại trải nghiệm văn hóa đầy đủ hơn, đặc sắc hơn cho du khách.

Các sản phẩm địa phương do bà con nơi đây làm ra cũng được giới thiệu tới du khách, như đồ thủ công mỹ nghệ, đan lát, nông sản, rượu, chè, bánh, thuốc gia truyền…

51697809970.jpeg
Bà con phơi thuốc.

“Tại bản, chúng tôi hoạt động sản xuất nông nghiệp với mô hình “tự cung tự cấp”. Đây là nguồn cung thực phẩm, nhu yếu phẩm cơ bản cho nhu cầu hàng ngày của dân bản, của du khách hay cũng là những món đồ lưu niệm, đặc sản mang những nét văn hóa đời sống người Tày mà khách có thể mua sắm. Lối sản xuất theo phương pháp truyền thống vẫn giữ được nét đặc trưng riêng theo văn hóa đời sống người Tày góp phần nuôi dưỡng đời sống văn hóa, trao truyền nó qua thế hệ trẻ” - Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ.

61697809970.jpeg
Ba thế hệ đan dây ngũ sắc.

Làm tốt công tác giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan, Thái Hải đã thành công trong việc đưa văn hóa bản làng xuống phố đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế như một cách tạo động lực cho người dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp.

Cùng chuyên mục