Thứ sáu, 12/05/2023, 09:04 (GMT+7)

Doanh nghiệp hưởng ứng Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh được xây dựng để kêu gọi các doanh nghiệp trong hệ thống thực phẩm đoàn kết để hướng tới hệ thống thực phẩm bền vững, phục vụ cho tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh.

Ngày 11/5, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh tại Hà Nội. Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam xây dựng trong khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái - công bằng tại Việt Nam” (dự án Eco Fair) do Liên minh châu Âu tài trợ.

tieu dung xanh Tiepthigiadinh H1
Quang cảnh hội thảo

Bộ Quy tắc là một văn kiện được xây dựng để làm cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô hoạt động trong sản xuất, chế biến, thương mại, quảng bá, phân phối thực phẩm, cũng như các bên liên quan trong hệ thống thực phẩm đoàn kết để cùng hướng tới hệ thống thực phẩm bền vững, phục vụ cho tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong những phương thức hiệu quả nhất để đạt được sự cân bằng lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường, đóng góp vào tăng trưởng xanh và bền vững của các quốc gia. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng trách nhiệm, bền vững cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, sự quan tâm này chủ yếu tập trung ở một số nhóm khách hàng nhất định, vẫn còn những người tiêu dùng chưa coi trọng việc tiêu dùng bền vững. Các hành vi tiêu dùng bền vững cần sự cam kết và quyết tâm để có thể duy trì. 

Tham gia Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, xây dựng hình ảnh đẹp với cộng đồng xung quanh và công luận, các sản phẩm sẽ được cộng đồng đón nhận tốt hơn, tạo cơ hội kinh doanh lâu dài và lợi nhuận bền vững.

Bộ Quy tắc tìm cách cải thiện tính bền vững ở ba cấp độ: Các mô hình tiêu thụ thực phẩm cho chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững; quá trình, hoạt động và bộ phận ở cấp độ nội bộ của các tácnhân trong đoạn giữa của chuỗi thực phẩm; Trong chuỗi cung ứng, kết nối các nhà sản xuất chính và các tác nhân khác. Đối với mỗi cấp độ, các nguyện vọng chung (thể hiện trong các mục tiêu và chỉ tiêu) và các hành động hướng dẫn đã được thiết lập, bao trùm hoàn toàn ba trụ cột bền vững (môi trường, xã hội và kinh tế).

Các hành vi tiêu dùng bền vững cần sự cam kết và quyết tâm để có thể duy trì. Mỗi sự thay đổi nhỏ trong hành vi sản xuất và tiêu dùng có thể giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu có được một môi trường sống trong lành và hòa hợp hơn với tự nhiên. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến cho tiêu dùng bền vững, tiêu dùng có trách nhiệm cần phải được tiến hành liên tục và lâu dài. Các hoạt động xúc tiến, lan truyền các hành vi tiêu dùng bền vững nên được tiến hành nhiều hơn nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Đồng thời quyền lợi của người tiêu dùng cũng được đảm bảo.

tieu dung xanh Tiepthigiadinh H2
Các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia ký cam kết

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ ký cam kết triển khai Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh trong quá trình hoạt động của hiệp hội/doanh nghiệp. Các Hiệp hội sản xuất thực phẩm tham gia ký kết gồm: Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch; Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam; Hội Thuỷ sản.

Các bên ký kết sẽ tham gia tích cực Bộ Quy tắc có trách nhiệm một cách tự nguyện để hỗ trợ các mong muốn hướng tới hệ thống thực phẩm bền vững, cùng với sự đóng góp ý kiến của các bên liên quan khác, bao gồm các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội thương mại, với sự chứng kiến của các cơ quan Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế).

Cùng chuyên mục