Điều hành tỷ giá: "Chiếc áo" ngày càng chật hẹp
Đồng USD tăng trên thị trường thế giới, môi trường lãi suất thấp trong nước, nhập khẩu tăng những tháng đầu năm, tình trạng đầu cơ của người dân và kế hoạch nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước… đang khiến chiếc áo cho cơ chế điều hành tỷ giá trở nên chật hẹp hơn bao giờ hết.
Áp lực tứ bề
Trong phiên giao dịch ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ tăng tỷ giá trung tâm tới 90 đồng so với mức niêm yết hôm qua, lên mức công bố ở mức 24.231 VNĐ/USD. Như vậy, chỉ sau 2 phiên, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 135 đồng và nếu tính từ đầu tháng thì đã tăng mạnh 227 đồng.
Với biên độ 5%, hiện tỷ giá trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 25.443 VND/USD. Khảo sát trên thị trường, cùng ngày, các ngân hàng thương mại tiếp tục phiên thứ ba liên tiếp đẩy giá bán đồng USD lên kịch trần theo biên độ mà NHNN cho phép.
Cụ thể, tại Vietcombank, ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, giá mua - bán ở mức 25.100 - 25.440 đồng, tăng 122 đồng ở chiều mua vào và tăng 92 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.
Chỉ tính từ đầu tuần đến nay, Vietcombank đã tăng 290 đồng ở giá mua và tăng 260 đồng ở giá bán, qua đó đưa tổng mức tăng từ đầu năm đến nay lên trên 1.000 đồng/USD, tương đương tăng 4,2 - 4,3%.
Tương tự, phiên 17/4, VietinBank cũng tăng giá mua - bán USD lên sát trần, chốt phiên ở mức 25.145 - 25.440 VNĐ/USD; BIDV tăng lên 25.130 - 25.440 VNĐ/USD.
Tại nhóm các ngân hàng tư nhân lớn như Techombank, MB, ACB, Sacombank và Eximbank tỷ giá trong phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ cũng dao động trong khoảng 25.420 - 25.442 đồng, đều áp sát mức trần được phép giao dịch.
Sức ép tỷ giá được cho là chủ yếu đến từ thị trường quốc tế khi chỉ số USD liên tục tăng khiến các đồng tiền còn lại bị mất giá.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, nhóm phân tích của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cũng đánh giá các yếu tố vĩ mô (kiều hối, vốn FDI giải ngân, thặng dư thương mại) tiếp tục hỗ trợ cho tiền đồng, nhưng sức ép từ các câu chuyện khác còn mạnh hơn.
Trong đó, sự kéo dài chênh lệch âm lãi suất giữa đô la và tiền đồng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tích cực đảo nợ, trả nợ ngoại tệ trước hạn hoặc các doanh nghiệp FDI chuyển bớt lợi nhuận về nước.
Bên cạnh đó, một lý do khiến tỷ giá chịu áp lực cao là vì biến động của giá vàng. Không phải chỉ ở Việt Nam, giá vàng quốc tế đang tăng rất mạnh do các chính phủ trên toàn cầu tích trữ vàng để đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, đặc biệt là Trung Quốc đã mua ròng vàng trong 16 tháng, các cá nhân cũng mua vàng vì lý do trú ẩn an toàn và đầu cơ gia tăng.
“Khi giá vàng toàn cầu tăng vọt, giá vàng tại Việt Nam cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, tạo áp lực lên tỷ giá trên thị trường chợ đen và cuối cùng ảnh hưởng đến thị trường chính thức”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán MSVN bình luận.
Còn theo đánh giá của NHNN, nguyên nhân chính của việc tỷ giá tăng trong thời gian qua là do các nguyên nhân như: Fed chưa đưa ra thời gian cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao; Chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam trong thời gian qua; và nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu cao trong những tháng đầu năm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tỷ giá tăng nóng thời gian qua không loại trừ hoạt động đầu cơ của người dân. Cùng với đó, việc NHNN có kế hoạch nhập khẩu vàng để đấu thầu vàng miếng dự kiến cũng gây áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Liệu NHNN có bán ngoại tệ can thiệp?
Để giảm bớt áp lực tỷ giá, NHNN thời gian qua đã liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản tiền đồng, qua đó nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD. Theo SSI, kể từ đầu năm, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng đã tăng từ vùng 1,5% lên vùng 4,5% như hiện nay. Chênh lệch lãi suất thu hẹp lại chỉ còn khoảng 70 điểm cơ bản, theo số liệu của SSI.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc điều tiết thanh khoản qua kênh tín phiếu chưa đạt được hiệu quả trong mục tiêu hạ nhiệt tỷ giá. Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty chứng khoán ACBS, NHNN sẽ sớm phải sử dụng tới các công cụ khác, ví dụ như bán ngoại tệ kỳ hạn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực thì cho rằng NHNN sẽ phải tính toán cẩn thận vì còn liên quan đến chuyện nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính toán nhập khẩu bao nhiêu để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối.
“Đương nhiên, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp, bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Tôi tin NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, ví dụ như phát hành tín phiếu cũng là một cách tăng lãi suất trên liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất USD - VND, cũng giảm áp lực tỷ giá trong thời gian vừa qua", ông Lực nói.
Hiện nay, đa số các nhà phân tích đều cho rằng áp lực lên tỷ giá sẽ vẫn còn tiếp tục ít nhất đến cuối quý II năm nay và có thể hạ nhiệt bắt đầu từ quý III, khi Fed phát đi tín hiệu rõ ràng hơn về việc hạ lãi suất.
- Những thương hiệu xe ô tô nổi tiếng có xuất xứ từ Đức
- Làm gì để đỡ bỏng lưỡi sau khi ăn uống đồ cay nóng?
- Sẽ hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo
- Không chỉ thơm ngon, lá nếp còn thanh nhiệt hiệu quả trong ngày nóng
- Món cá rất ngon nhưng cần bỏ ngay những bộ phận này khi ăn
- Mẹo tiết kiệm điện khi sử dụng máy giặt trong mùa hè