Áp lực tỷ giá khi nào mới hạ nhiệt?
Bất chấp đà tăng của tỷ giá, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế dự báo áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm nay, sau khi Fed công bố giảm lãi suất.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá bắt đầu nóng trở lại do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, mặc những nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước. Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp khi làm đội chi phí và gia tăng gánh nặng trả nợ.
Hiện giao dịch USD/VNĐ đang ở mức cao nhất lịch sử. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giao dịch quanh ngưỡng 24.900- 24.960 đồng/USD. So với hồi đầu năm 2024, tỷ giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 2%. Trong khi đó, tỷ giá USD tự do luôn luôn duy trì trên mốc 25.000 đồng/USD, tăng gần 4% so với đầu năm.
Theo TS Cấn Văn Lực, có nhiều nguyên nhân đẩy tỷ giá trong nước tăng cao. Theo đó, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước trong giai đoạn đầu năm cũng là một yếu tố có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Ngoài ra, áp lực tỷ giá đến từ dòng tiền đầu cơ trong nước vào các tài sản thay thế như vàng trong bối cảnh giá loại tài sản này đạt mức cao kỷ lục gần đây.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng tỷ giá sẽ bớt nóng vào nửa cuối năm nay, khi Fed giảm lãi suất. Theo đó, việc Fed hạ lãi suất theo các chuyên gia sẽ tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ linh hoạt hơn trong điều hành khi không phải chịu sức ép từ áp lực lên giá đồng USD bởi việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ khiến USD suy yếu.
Về phía các doanh nghiệp nhập khẩu, ông Lực cảnh báo cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ (có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ cuối năm 2024).
Liên quan đến chính sách ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 31/3/2021 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối; trong đó Ngân hàng Nhà nước muốn thay đổi cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa VND với USD trong giao dịch kỳ hạn.
Động thái mới từ phía Ngân hàng Nhà nước được giới chuyên môn đánh giá là nhằm tạo cơ sở để cơ quan này có thể linh hoạt, chủ động hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại tệ thông qua hoạt động mua, bán kỳ hạn USD với các ngân hàng đồng thời thông qua giao dịch kỳ hạn ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tác động đến chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng.
- Động lực nào làm giảm áp lực lên tỷ giá?
- Tỷ giá USD tự do duy trì trên mức 25.000 đồng
- Tỷ giá USD tăng giảm thất thường
- Kawasaki ZX-25RR 2024 trình làng: Trang bị cực chất, giá 191 triệu đồng
- Đừng quên nói với con gái 14 điều quan trọng này trước khi chúng trưởng thành
- 4 kiểu blazer phù hợp để nàng diện đẹp từ xuân sang hè
- Trung Quốc rơi vào khủng hoảng bất động sản dai dẳng, loạt ngân hàng lớn bị ‘vạ lây’
- Người Việt chi bao nhiêu tiền mua iPhone trên các sàn thương mại điện tử?
- Hãng xe điện giá rẻ Trung Quốc sắp thâm nhập thị trường Việt Nam