Thứ tư, 13/03/2024, 11:50 (GMT+7)

Động lực nào làm giảm áp lực lên tỷ giá?

Theo các chuyên gia, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một công cụ trong chính sách tiền tệ nhằm hút bớt thanh khoản ở thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Phiên giao dịch ngày 11/3 chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ quay trở lại đường đua tín phiếu, phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày với lãi suất 1,4%/năm.

Trong phiên giao dịch ngày 12/3, NHNN đã thu về gần 15.000 tỷ đồng trên thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm. Trong đó, có 7/14 thành viên tham gia thị trường đã trúng thầu. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp NHNN thực hiện hút tiền về, nâng tổng lượng thu về lên gần 30.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước hút tiền, giảm áp lực lên tỷ giá nhưng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục giảm
Động thái phát hành tín phiếu của NHNN làm giảm áp lực lên tỷ giá. (Ảnh: M.H)

Theo các chuyên gia, động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một công cụ trong chính sách tiền tệ, là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Mục đích của việc phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực đầu cơ lên tỷ giá trong ngắn hạn. 

Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho rằng, khác với xu hướng tích cực thường thấy vào đầu năm, áp lực tỷ giá hiện nay cao dần, một phần do chênh lệch lãi suất VND và USD âm kéo dài khiến áp lực rút vốn tăng dần hay nhập khẩu tư liệu sản xuất bật tăng khá mạnh trong 2 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt, khiến biến động tỷ giá trên thị trường tự do khó lường hơn. Chênh lệch lớn giữa tỷ giá tự do và niêm yết cũng khiến xu hướng đầu cơ lớn.

Vì thế, động thái hút tiền thông qua kênh tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đưa ra nhận định tương tự về động thái hút tiền của NHNN. Theo ông, động thái hút ròng của NHNN chủ yếu do thanh khoản của hệ thống vẫn còn "dày". Đặc biệt, trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm. Cụ thể, số liệu từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng trong tháng 2 giảm 1%, còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%. 

Trong bối cảnh đó, NHNN buộc phải tìm cách hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu để đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá. 

Liên quan đến chính sách tiền tệ thế giới, trong cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Fed cho biết sẽ chưa giảm lãi suất ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay. Theo đó, động thái này của Fed sẽ gây áp lực lên thị trường tỷ giá ở Việt Nam. Bằng chứng là tỷ giá trong thời gian vừa qua đã có những biến động, từ đầu năm đến giờ tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,5%.

Tương tự, PGS TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho rằng, ới lượng tiền hút về nói trên sẽ chưa có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nếu NHNN hút liên tiếp nhiều phiên cùng khối lượng thì sẽ có ảnh hưởng. Theo ông, động thái này của NHNN có thể hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng cả trong lẫn ngoài ngân hàng do ảnh hưởng bởi việc giá vàng tăng cao và do nhu cầu nhập khẩu đầu năm. 

Theo UOB, chênh lệch tỷ giá USD với VND có thể lên tới 24.700 VND/USD vào cuối tháng 2. Dự báo kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0% so với 5,05% vào năm 2023) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định đồng VND. Khi đó, tỷ giá USD/VND sẽ được duy trì ổn định trong khoảng 23.500 - 24.500 VND/USD. 

Cùng chuyên mục