Thứ sáu, 29/09/2023, 15:31 (GMT+7)

Đề xuất người điều khiển xe máy phải kiểm tra sức khỏe định kỳ

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, bao gồm cả mô tô, xe gắn máy.

Trong kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự kiến sẽ góp ý lần đầu trong kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 sắp tới.

Khoản 3 điều 51 của dự thảo nêu rõ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. 

Bộ trưởng Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe. Điều này đồng nghĩa với việc tới đây, không chỉ riêng lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải khám sức khoẻ định kỳ mà còn áp dụng với cả người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô cá nhân.

thumb
Theo các chuyên gia y tế và giao thông, cần cân nhắc đề xuất này để đảm bảo việc thực hiện được khả thi, tránh gây lãng phí, tốn kém cho nhân dân. Ảnh: Hoàng Hiệp

Nội dung này đã thay đổi so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành là người lái xe máy không phải khám sức khỏe định kỳ. Bộ Y tế chỉ quy định việc khám định kỳ đối với người lái ôtô.

Hiện nay, yêu cầu về giấy khám sức khoẻ của người lái xe mô tô, xe gắn máy được sử dụng trong việc thi giấy phép lái xe (GPLX) hoặc khi đổi lên hạng GPLX, theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng chia sẻ trên Báo Giao Thông.

Việc khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người lái xe giúp đảm bảo người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đủ sức khỏe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Tuy nhiên, việc đưa quy định này vào thực tế đang cần thêm những thảo luận. Có thể tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe khi tham gia giao thông, nếu sức khỏe không được đảm bảo để lái xe thì không nên điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Chuyên gia cho rằng, đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, nên phân loại để quy định cho hợp lý. Có thể quy định khám sức khoẻ định kỳ vài năm một lần với người lái xe mô tô phân khối lớn bởi tốc độ cho phép di chuyển của loại xe này lớn hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ATGT hơn.

Nếu bắt buộc phải khám sức khoẻ với người lái xe tất cả các phương tiện thì chỉ nên quy định một số nhóm đối tượng cần phải thực hiện. Đơn cử như người già (trên 60 tuổi) hoặc các đối tượng có bệnh lý nền về tim mạch, hô hấp mạn tính mà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, khả năng đi lại của họ. Các đối tượng không có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính có thể chưa cần thiết, theo Pháp luật & Xã hội.

Cùng chuyên mục