Thứ năm, 28/03/2024, 21:34 (GMT+7)

Đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền vàng miếng, cho phép nhiều doanh nghiệp sản xuất

Tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các chuyên gia đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Chiều nay 28/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.

Trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.

pho-thu-tuong
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp.

Về quản lý thị trường vàng, ý kiến của các chuyên gia cho rằng qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Phó thủ tướng ghi nhận và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan thường trực của Hội đồng nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, ngày 20/3, Thủ tướng đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Tại Công điện này, Thủ tướng giao NHNN khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trong tháng 3 năm 2024.

Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức...

Thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý theo thẩm quyền phù hợp quy định, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/3/2024.

NHNN đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài ra, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Theo NHNN, việc xóa bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Cùng chuyên mục