Thứ năm, 16/11/2023, 11:39 (GMT+7)

Dập nát bàn tay vì học cách tự chế pháo trên mạng

Sau khi mua pháo trên mạng về tự chế, bé trai 14 tuổi ở Hà Nội phải đến viện cấp cứu với bàn tay dập nát, gãy nhiều vị trí, để lại di chứng nặng nề.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.C. (14 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) bị tai nạn thương tích nặng ở bàn tay phải liên quan đến pháo nổ. Người nhà bệnh nhân cho biết, bé trai mua pháo thông qua các hội nhóm trên mạng. Trong lúc tự chế pháo theo các hội nhóm hướng dẫn, tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Kết quả chụp X-quang cho thấy, bàn tay phải bị gãy nền đốt bàn tay I, gãy nền đốt ngón tay V, gãy đốt 2 và ngón III. Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương cho bệnh nhân. Tổng cộng bé trai phải khâu 15 mũi trên bàn tay.

tu che phao
Pháo nổ trên lòng bàn tay khiến toàn bộ gân, cơ, xương của bàn tay phải bị dập nát

Dù ca mổ đã thành công nhưng các bác sĩ nhận định, bé trai sẽ phải chịu những di chứng để lại cho bàn tay phải. Bệnh nhân cũng sẽ phải trải qua một số cuộc phẫu thuật để tháo phương tiện kết xương, sửa chữa các di chứng khác.

BSCKII Nguyễn Mạnh Trường - Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - cho biết, tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng. Đặc biệt vào dịp cuối năm, rất nhiều các địa chỉ bán vật liệu pháo nổ bất hợp pháp trên mạng. Bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con em tuổi thanh thiếu niên cần tăng cường quản lý không để trẻ tự ý mua và sửa dụng vật liệu pháo nổ. Nhà trường và các tổ chức xã hội tích cực khuyến cáo tuyên truyền để trẻ nâng cao hiểu biết về nguy hiểm của pháo nổ, tránh các tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi trẻ bị bỏng pháo nổ, nếu bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt, nếu bị bỏng ở người, chân, tay… thì cần ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước mát hoặc xả nhẹ vòi nước sạch vào vùng bỏng ít nhất khoảng 15 phút. Việc này có tác dụng làm giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn.

Nếu quần áo dính vào vết bỏng thì tuyệt đối không được tìm mọi cách để gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu về sau.

Không được bôi hóa chất (dầu gió, nước vôi), kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và thảo dược không rõ nguồn gốc… vào vùng bị bỏng vì có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.

Cùng chuyên mục