Cung cấp thông tin sản phẩm gây nhầm lẫn cho khách hàng, Sharp, Aqua Việt Nam lĩnh 'trát' phạt hàng trăm triệu đồng
Ngoài bị xử phạt 200 triệu đồng/doanh nghiệp, Sharp và Aqua Việt Nam đều phải cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng liên quan đến sản phẩm của mình.
Biết gì về 2 ông lớn điện tử Sharp và Aqua Việt Nam vừa bị xử phạt vì quảng cáo gây hiểu nhầm?
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa công bố quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đối với Công ty TNHH Điện máy Aqua Việt Nam (có mã số doanh nghiệp là 3600257517, địa chỉ trụ sở chính tại số 8, đường 17A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; website: https://www.aquavietnam.com.vn).
Theo đó, Công ty TNHH Điện máy Aqua Việt Nam bị xử phạt 200 triệu đồng về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm tủ lạnh Side by Side AQR-S682XA và máy điều hòa Inverter AQA-KCRV10WNZA nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh.
Với vi phạm trên, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu Công ty TNHH Điện máy Aqua Việt Nam phải cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng liên quan đến sản phẩm tủ lạnh Side by Side AQR-S682XA và máy điều hòa Inverter AQA-KCRV10WNZA trên trang thông tin điện tử https://aquavietnam.com.vn.
Cùng mắc lỗi vi phạm tương tự đối với sản phẩm máy lọc không khí AIOT FP-J80EV-H, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (có mã số doanh nghiệp là 0308159258; địa chỉ trụ sở chính: T5-B03.07 và T5.B03.09, lầu 3, Masteri Thảo Điền, số 159, đường Võ Nguyên Giáp, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP HCM; website: https://vn.sharp) cũng bị xử phạt với số tiền 200 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam bị buộc phải cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng liên quan đến sản phẩm máy lọc không khí AIOT FP-J80EV-H trên trang thông tin điện tử https://vn.sharp.
Trong một diễn biến khác, nhắc đến Sharp là nhắc đến thương hiệu điện tử, điện máy lâu đời hàng đầu Nhật Bản, hiện diện tại Việt Nam từ 1995. Thương hiệu này có lúc dẫn đầu về phân khúc nồi cơm điện, hàng điện tử tại thị trường Việt nhờ chất lượng sản phẩm cùng giá cả cạnh tranh, theo Nhà đầu tư.
Đến 1/7/2009, Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) công bố thành lập Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam để tiếp quản các hoạt động trong nước, bao gồm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo hành và dịch vụ hậu mãi. Trước đó, các hoạt động này được thực hiện bởi Công ty TNHH Mitsui Việt Nam, nhà phân phối được ủy quyền.
Mặc dù đạt nhiều thành công trong quá khứ, Sharp bắt đầu đi xuống từ năm 2012. Đối mặt với khó khăn tài chính nghiêm trọng, công ty đã chấp nhận một khoản cứu trợ từ hai ngân hàng Nhật Bản sau khi báo lỗ lên tới hàng trăm tỷ yên.
Năm 2016, Sharp đã được Foxconn của Đài Loan – nhà lắp ráp thiết bị điện tử lớn nhất thế giới mua lại với giá 700 tỷ yên (khoảng 6,2 tỷ USD khi đó). Với sự hậu thuẫn của Foxconn, Sharp đã có sự trở lại nhất định, nhưng vẫn chưa giành được vị thế như trước đây.
Trong khi đó, tiền thân của Aqua là Sanyo, hiện diện tại thị trường Việt Nam từ 1995. Công ty CP điện tử Sanyo (SANYO Electric Co., Ltd) được chính thức thành lập năm 1950 tại Nhật Bản. Đến năm 2008, Sanyo được Pannasonic mua lại và trở thành công ty con của tập đoàn này.
Sanyo HA ASEAN đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995 với nguồn vốn pháp định 44 triệu USD. Nhà máy công ty này đặt tại khu công nghiệp Biên Hoà II với các dây chuyền sản xuất máy giặt, tủ lạnh, máy điều hoà và máy nước nóng với số lượng hơn 1.000 nhân viên.
Năm 2012, tập đoàn Haier Group Corporation của Trung Quốc mua lại công ty Sanyo Electric, trong đó bao gồm toàn bộ cổ phần của tập đoàn Sanyo HA ASEAN (Việt Nam). Các ngành hàng Sanyo sang nhượng cho Haier gồm tủ lạnh, máy giặt và tất cả các thiết bị gia dụng tiêu dùng. Trong đó bao gồm máy giặt hiệu Aqua và các thương hiệu khác liên quan tới Aqua của Sanyo.
Năm 2014, thương hiệu Aqua chính thức được công bố tại thị trường Việt Nam. Kể từ đó, Aqua đã mở rộng nhanh chóng, trở thành một công ty chủ chốt trên thị trường đồ gia dụng của Việt Nam. Công ty đang có hơn 2.000 nhân viên và sản xuất nhiều loại sản phẩm, bao gồm tủ lạnh và máy giặt. Năm 2018, doanh thu của Aqua đạt hơn 200 triệu USD.
Cung cấp thông tin gian dối nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác thuộc hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.
Cùng đó, tại Điều 20 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về hành vi lôi kéo khách hàng bất chính, thì việc đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác có thể bị phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng đối với hành vi này gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai và loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm.
Mức phạt tiền nói trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Insuna quảng cáo gian dối
- Quảng cáo sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng: Đại biểu Quốc hội hiến kế lấp 'lỗ hổng' về quản lý
- Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng