Thứ ba, 17/06/2025
logo
VAA

'Công nghiệp văn hóa không thể thiếu sự đồng hành của báo chí và quảng cáo'

Hồng Phúc Chủ nhật, 01/06/2025, 10:08 (GMT+7)

Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, công nghiệp văn hóa không thể phát triển nếu thiếu sự đồng hành của báo chí và quảng cáo. Nếu báo chí là tiếng nói phản ánh và định hướng thì quảng cáo là công cụ tạo sức hút và thúc đẩy tiêu dùng văn hóa.

Đó là những chia sẻ của nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tại diễn Diễn đàn Vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) diễn ra ngày 31/5 vừa qua. Sự kiện do Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, UBND TP Hải Phòng tổ chức. 

Tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có những chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về vai trò của báo chí và quảng cáo trong việc phát triển các ngành CNVH. 

"Công nghiệp văn hóa không thể phát triển nếu thiếu sự đồng hành của báo chí và quảng cáo. Trong hành trình vừa gìn giữ bản sắc, vừa hướng đến hiện đại hóa, truyền thông, đặc biệt là báo chí và quảng cáo chính là đòn bẩy chiến lược, là cầu nối đưa sản phẩm văn hóa đến với cộng đồng, đồng thời khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế", Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định.

z6659779884388_b4e1f50fac32b97f8f13b07f8e5446b8-0901
Toàn cảnh đối thoại giữa báo chí, doanh nghiệp và nhà quản lý trong khuôn khổ Diễn đàn. 

Báo chí dẫn dắt và phản ánh giá trị văn hóa

Theo nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trong hệ sinh thái phong phú của các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), báo chí - truyền thông không chỉ là một lĩnh vực độc lập mà còn là trụ cột quan trọng, giữ vai trò kết nối, lan tỏa và nâng tầm các giá trị văn hóa dân tộc. Báo chí giống như nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại, giữa bản sắc truyền thống và hơi thở hiện đại, đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế.

Ở vai trò dẫn dắt, báo chí định hướng thị trường văn hóa phát triển một cách bền vững, hiện đại nhưng không đánh mất cốt lõi tinh thần dân tộc, góp phần làm giàu đời sống tinh thần của xã hội.

Đặc biệt, trong thời đại số, khi thông tin tràn ngập mọi nền tảng và ai cũng có thể trở thành “người đưa tin“, thì trách nhiệm của báo chí chính thống lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin chính xác, chuẩn mực, mà còn là “ngọn hải đăng“ soi sáng cho dư luận, giúp người dân nhận diện đúng - sai, tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, và từ đó, góp phần bảo vệ người tiêu dùng trước cơn bão tin giả. 

Bên cạnh đó, báo chí còn là một trong những kênh truyền thông có sức ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Đối với ngành công nghiệp văn hóa, báo chí không chỉ là nơi phản ánh hoạt động của các ngành nghề như điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, thời trang… mà còn có vai trò định hướng thị hiếu, tạo dư luận và bảo vệ giá trị bản sắc dân tộc.

Khi một sản phẩm văn hóa ra đời, nếu không có sự đồng hành của truyền thông, thì sản phẩm đó dễ rơi vào quên lãng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các dòng chảy văn hóa, báo chí giúp nâng tầm các tác phẩm văn hóa, đưa chúng đến gần hơn với công chúng, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa, huy động sức mạnh của các doanh nghiệp và hội ngành nghề cùng phát triển.

Hơn thế, báo chí hiện đại không chỉ thông tin một chiều, mà còn tham gia tích cực vào việc “nắm và buông”, tức là khéo léo cân bằng giữa các yếu tố thị trường và giá trị văn hóa. Qua đó, báo chí góp phần vào việc giữ gìn những tinh hoa, đồng thời thích nghi với xu hướng thời đại, tạo ra một không gian văn hóa mở, linh hoạt và đa chiều.

z6658607452536_97dd9eb3e906b32f20b6d834809ad16d-0912
Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Quảng cáo tạo sức hút và thúc đẩy văn hóa

Bàn luận về vai trò của quảng cáo đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định, nếu báo chí là tiếng nói phản ánh và định hướng thì quảng cáo là công cụ tạo sức hút và thúc đẩy tiêu dùng văn hóa. Bản chất của quảng cáo là tạo sự chú ý, dẫn dắt cảm xúc và hình thành hành vi tiêu dùng, và đây chính là yếu tố quan trọng để các sản phẩm văn hóa có thể bước ra thị trường một cách mạnh mẽ.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa văn hóa, quảng cáo không còn đơn thuần là công cụ thương mại, mà trở thành một đối tác chiến lược. Mối quan hệ giữa quảng cáo và văn hóa là “win-win” - nơi quảng cáo được hưởng lợi từ hình ảnh, nội dung giàu bản sắc của văn hóa, và ngược lại, văn hóa được quảng bá sâu rộng nhờ sức mạnh truyền thông của quảng cáo.

Các công nghệ quảng cáo hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kỹ thuật số hóa… đã mở ra khả năng tạo hiệu ứng đột phá cho các sản phẩm văn hóa. Từ việc lựa chọn hình ảnh đại diện, xây dựng biểu tượng, cho đến triển khai các chiến dịch truyền thông sáng tạo - quảng cáo đang góp phần xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Mô hình “hàng đổi hàng”, tức là sự hợp tác giữa các nhà làm văn hóa với doanh nghiệp quảng cáo - truyền thông cũng đang trở thành xu thế hiệu quả, giảm chi phí, tăng giá trị lan tỏa.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, sự phát triển của mạng xã hội đã mở ra một sân chơi mới, nơi mỗi cá nhân đều có thể trở thành “nhà báo”, “người làm truyền thông”. Tuy nhiên, chính điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với báo chí truyền thống và cả ngành quảng cáo. Đó là cạnh tranh về tốc độ, sức lan tỏa và tính hấp dẫn.

Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để báo chí và quảng cáo đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng nội dung và công nghệ, từ đó tạo ra những sản phẩm truyền thông có chiều sâu, vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc văn hóa. Sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà làm nội dung, báo chí và quảng cáo là yếu tố sống còn để công nghiệp văn hóa có thể trụ vững và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục