Thứ sáu, 02/02/2024, 09:48 (GMT+7)

Có ăn được cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo không?

Cá chép đỏ là một “lễ vật” không thể thiếu khi cúng ông Công ông Táo. Một số người thắc mắc loại cá chép đỏ này có ăn được như cá chép trắng không?

Cá chép đỏ ăn được không?

Khác với cá chép thông thường có màu bạc (gọi là cá chép trắng), cá chép màu cam đỏ (gọi là cá chép đỏ) là “lễ vật” được sử dụng để cúng tiễn ông Công ông Táo về Trời trong ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Cá chép đỏ được người dân mua về, đặt trong thau nước sạch để bày cùng mâm cơm cúng, hương hoa, vàng mã… Sau đó, cá chép đỏ được “phóng sinh” ra ao, hồ, sông…

Có một số người thắc mắc không biết cá chép đỏ nếu không sử dụng để phóng sinh thì có ăn được như cá chép thông thường không?

ca chep do
Cá chép đỏ trong mâm cúng ông Công ông Táo

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Hà Nội, loại cá chép thường sử dụng làm thực phẩm là cá chép trắng, có thể nấu được nhiều món như hấp, om, nấu cháo, nướng… Các nghiên cứu cho thấy, 100g cá chép chứa 275 calo và các chất dinh dưỡng gồm: 12,2g chất béo, 2,4g chất béo bão hòa, 142,8g cholesterol, 107,1mg natri, 725,9mg kali, 38,9g protein, 5% vitamin C, 9% canxi, 15% sắt, 16% vitamin B1…

Với những giá trị dinh dưỡng này, cá chép là vị thuốc quý có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh và bồi bổ cơ thể tốt. Theo y học cổ truyền, cá chép có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều protein và nhiều vitamin. Ăn cá chép có nhiều lợi ích sức khỏe như tiêu thũng, hạ khí thông nhũ, khai vị kiện tỳ, tạo cảm giác thèm ăn và bồi dưỡng hệ tiêu hóa.

Còn cá chép đỏ, xét về dinh dưỡng cũng giống cá chép trắng, mọi người có thể chế biến loại cá chép đỏ to để ăn. Còn loại cá chép nhỏ mùi vị không ngon, thơm bằng. Tuy nhiên, cá chép đỏ gắn liền với truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng, được dâng cúng trong ngày ông Công ông Táo. Về tâm linh, nhiều người khuyên không nên dùng loại cá này để ăn. Cá chép đỏ thường chỉ bán dịp cúng Táo quân, không bán đại trà như cá chép trắng. Do đó, mọi người ít sử dụng cá chép đỏ để chế biến.

Chuyên gia cũng lưu ý, khi chế biến cá chép, cần làm sạch, loại bỏ lớp màng nhầy trên da cá và lớp màng đen trong bụng, không ăn mật, ruột để tránh ngộ độc.

Thả cá chép đỏ đúng cách

Việc “phóng sinh” cá chép mang ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thả cá chép thế nào cho đúng ý nghĩa tâm linh và mục đích bảo vệ môi trường.

ca chep do
Nhẹ nhàng để cá tự bơi ra

Các chuyên gia khuyến cáo, khi thả cá, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra; hoặc đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Khi thao tác cần nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn và tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống làm cá có thể không sống được.

Tuyệt đối không mua cá chép về rồi thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm làm cá bị chết. Phải chọn môi trường sạch để cá dễ dàng sống được. Sau khi thả cá, nên quan sát xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị sóng xô dạt lại vào bờ…

Cùng chuyên mục