Chốt tiến độ công bố quyết định thanh tra thị trường vàng
Chậm nhất ngày 17/5 Ngân hàng nhà nước phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng; xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Đây là nội dung kết luận đáng chú ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 221/TB-VPCP tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới vừa diễn ra mới đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho hay.
Chuyển hồ sơ vi phạm sang Bộ Công an
Cụ thể, NHNN và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ để bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái còn yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện ban hành kế hoạch thanh tra, chậm nhất ngày 17/5/2024 phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5/2024.
Liên quan đến công tác thông tin truyền thông, NHNN được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, chính thống về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và hoạt động của thị trường vàng để ổn định tâm lý người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo quy định và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý Nhà nước, bảo đảm các mục tiêu phát triển thị trường vàng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật có liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các bộ, cơ quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm, đặc biệt là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
UBND TPHCM được giao chỉ đạo Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thực hiện đúng quy định về hoạt động kinh doanh vàng và pháp luật có liên quan, chủ động thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của NHNN.
NHNN có trách nhiệm gì trong hoạt động kinh doanh vàng?
NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Căn cứ tại Điều 16 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về trách nhiệm của NHNN trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng: NHNN có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. NHNN được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số24/2012/NĐ-CP, trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng, NHNN chính là cơ quan có trách nhiệm thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng khi giá vàng tăng cao, biến động mạnh thông qua các biện pháp sau: Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này. Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của NHNN. Cùng đó, thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, NHNN cấp, thu hồi: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; giấy phép mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định; giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Mặt khác, NHNN thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác. NHNN thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Căn cứ Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:
- Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật các tổ chức tín dụng.
- Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định trên, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
- Liên tiếp phát hiện, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm
- Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vàng
- Cần cơ chế khuyến khích để tạo thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua bán vàng
- Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Quá cứng nhắc, lo dân chuyển qua giao dịch 'ngầm'?
- Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: 'Tại sao hạn chế quyền của dân?'
- Kiến nghị bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán vàng
- Quy định mới về việc mua bán vàng thay đổi như thế nào từ ngày 27/11/2023?
- Thị trường vàng chênh cao, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo 'nóng'
- Chính phủ yêu cầu sửa đổi hoặc thay thế Nghị định về quản lý hoạt động thị trường vàng