Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 17/08/2023, 19:09 (GMT+7)

9 mánh khóe kẻ bắt cóc trẻ em thường sử dụng, cha mẹ cần lưu ý

Phụ huynh cần nắm rõ những mánh khóe mà kẻ bắt cóc thường sử dụng để dạy con những kỹ năng tránh bị mắc bẫy.

Càng ngày, những kẻ bắt cóc càng trở nên chuyên nghiệp hơn và nắm được rõ tâm lý của trẻ em hơn. Chúng sẽ thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lạc hướng và dụ dỗ bằng được trẻ em đi theo chúng. Vì thế, phụ huynh cần cảnh giác cao độ với những mánh khóe mà bọn bắt cóc thường sử dụng để kết nối với trẻ. Sau đó, hay hướng dẫn trẻ thự hiện tình huống và ứng phó bằng các kỹ năng để tránh bị mắc bẫy.

Cho trẻ đồ chơi, đồ ăn, tiền…

bat coc Tiepthigiadinh H1
Trẻ em rất dễ bị dụ dỗ bởi những thứ chúng thích

Đồ chơi, đồ ăn… là những thứ được trẻ em rất ưa thích. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý ham chơi, dễ tin người của trẻ con để dụ dỗ trẻ đi theo mình. Thậm chí, một số tên bắt cóc còn cho trẻ tiền và hứa dẫn trẻ đi mua bất cứ thứ gì trẻ muốn.

Dụ dỗ trẻ bằng động vật

Chó, mèo, chim hay một số vật nuôi khác thường được trẻ em vô cùng yêu thích. Bọn bắt cóc có thể lợi dụng các con vật đáng yêu này để dẫn trẻ đi theo đến góc khuất rồi bắt trẻ đi hoặc dẫn lên xe ô tô.

Sử dụng một đứa trẻ khác làm mồi nhử

Đã có nhiều trường hợp kẻ bắt cóc sử dụng chính những đứa trẻ khác làm 'mồi nhử' nạn nhân. Dù có được dạy không được tin người lạ là người lớn thì trẻ em cũng khó lòng nghi ngờ đứa trẻ giống như mình. Bố mẹ cần dạy con rằng, kẻ bắt cóc không chỉ là đàn ông có khuôn mặt đáng sợ, mặc đồ tối mà cũng có thể là phụ nữ hay trẻ con. Hãy luôn chơi gần bố mẹ chứ không được chạy đi theo các bạn.

Tự nhận là người quen

bat coc Tiepthigiadinh H2
Kẻ xấu có nhiều chiêu trò để trẻ tin tưởng và đi theo

Nếu đã lên kế hoạch từ trước thì những kẻ bắt cóc sẽ tìm hiểu kỹ thông tin gia đình của đứa trẻ. Việc giả dạng thành một người thân quen, biết các mối quan hệ của bố mẹ trẻ không hề khó. Như vậy, chúng rất dễ lấy được lòng tin của trẻ. Gần đây, xuất hiện các vụ việc kẻ xấu thông báo bố mẹ của trẻ đang ở bệnh viện và trẻ phải đến ngay bây giờ. Đa số các trường hợp này đều là hành vi xấu.

Nhờ trẻ giúp đỡ

Nhiều kẻ xấu giả dạng thành những người già cả hoặc bệnh tật để yêu cầu sự giúp đỡ từ trẻ như: chỉ đường, cầm hộ đồ, mở hộ cửa xe, tìm giúp đồ vật, vật nuôi… Trẻ em vẫn được dạy rằng nên giúp đỡ mọi người nên rất dễ nghe theo và mắc bẫy.

Bố mẹ cần dạy trẻ rằng, những người lớn cần giúp đỡ sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn khác chứ không phải từ trẻ em. Hãy dạy trẻ nâng cao cảnh giác.

Giả vờ hỏi đường và cho trẻ đi nhờ xe

Khi bạn thấy một chiếc xe chạy chậm dọc trên đường và đi theo đứa trẻ, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo kẻ bắt cóc. Và nếu người lái xe yêu cầu trẻ hướng dẫn hoặc mời trẻ vào xe của họ, điều này càng khả nghi hơn. Một người lái xe bình thường sẽ yêu cầu người lớn, cảnh sát giúp đỡ hoặc sử dụng GPS để tìm đường chứ không bao giờ hỏi trẻ con.

Giả cảnh sát để yêu cầu trẻ đi theo

Trẻ thường được cha mẹ dạy có gì khó khăn thì hãy tìm sự trợ giúp của công an. Tuy nhiên những kẻ xấu với thủ đoạn tinh vi có thể giả làm công an và yêu cầu trẻ đi cùng để xác minh một việc gì đó hoặc nói rằng trẻ đã làm sai điều gì đó… Bố mẹ sẽ dạy con rằng, nếu cần thông tin từ đứa trẻ, công an sẽ làm việc với phụ huynh chứ không phải trẻ.

Lôi kéo đứa trẻ như con mình

bat coc Tiepthigiadinh H3
Trẻ khóc lóc khiến người xung quanh nghĩ là ăn vạ

Khi bị kẻ bắt cóc lôi đi, trẻ khóc lóc lại khiến nhiều người cho rằng đây là đứa trẻ bướng bỉnh đang khiến bố mẹ bực mình. Hãy dạy trẻ những câu nói như: “Đây không phải bố mẹ cháu”, “Cứu cháu với, có kẻ xấu bắt cháu”… để lôi kéo sự quan tâm và giúp đỡ từ nhiều người xung quanh.

Mời chào trẻ những điều mới lạ

Từng xảy ra trường hợp trẻ em bị bắt cóc sau khi được đề nghị thử đi xe máy. Nạn nhân chủ yếu là các bé trai thích cảm giác lạ và khó cưỡng lại đề nghị hấp dẫn này.

Ngoài ra, một số kẻ xấu giả làm nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim… để mời mọc đứa trẻ tham gia diễn xuất, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn và vẽ ra viễn cảnh nổi tiếng. Những đứa trẻ 10 - 11 tuổi thường rất hứng thú với điều này. Trẻ cần biết, muốn làm diễn viên, ca sĩ nhí… cần tham gia các cuộc tuyển chọn chứ không phải tìm kiếm dọc đường như vậy.

Cùng chuyên mục