Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 04/07/2023, 09:19 (GMT+7)

Cách hạ nhiệt smartphone khi trời quá nóng

Nhiều nguyên nhân khiến smartphone nóng lên, trong đó có thời tiết nắng nóng. Làm thế nào để hạ nhiệt smartphone, tránh những thiệt hại không đáng có?

Khi bị nóng trong thời gian dài, smartphone có thể bị chai pin, giảm độ bền linh kiện bên trong hay thậm chí là cháy nổ. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do người dùng đang chơi game nặng, thiết bị được cắm sạc nhanh hoặc do một ứng dụng xung đột dưới nền khiến vi xử lý nóng lên… Đặc biệt, thời tiết nắng nóng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cho smartphone.

Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào smartphone

ha nhiet smartphone Tiepthigiadinh H1
Ánh nắng khiến smartphone bị hấp nhiệt nhanh chóng

Ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào smartphone sẽ khiến chúng nóng lên nhanh chóng. Do đó, bạn nên hạn chế chụp ảnh, lướt web dưới ánh nắng trong những ngày nóng bức.  Nếu bạn mở chế độ tự động điều chỉnh độ sáng của iPhone thì khi sử dụng ngoài ánh nắng, điện thoại sẽ tự tăng độ sáng lên mức cuối cùng, từ đó gây ra nóng cho thiết bị, dẫn đến ngốn năng lượng, thậm chí có thể tắt nguồn đột ngột vì quá nóng.

Không sử dụng smartphone trong một thời gian

Smartphone hoạt động trong thời gian dài, đặc biệt là khi chụp ảnh, quay camera, chơi game sẽ cần chạy các chương trình yêu cầu cấu hình cao thì thiết bị của bạn trở nên nóng, thậm chí có thể quá tải công suất. Do đó, người dùng nên để smartphone nghỉ ngơi một thời gian để phục hồi. Việc ngừng sử dụng hoàn toàn trong một khoảng thời gian sẽ giúp điện thoại giảm nhiệt nhanh chóng.  Bên cạnh đó, hãy tắt 4G/5G, Wi-Fi và các tác vụ đòi hỏi nhiều sức mạnh phần cứng để thiết bị hạ nhiệt nhanh hơn.

Tháo ốp, bao da

Ốp lưng, bao da điện thoại là một phụ kiện rất phổ biến và được yêu thích nhằm bảo vệ điện thoại khỏi va đập, trầy xước, đồng thời trang trí, cá nhân hóa thiết bị. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chúng cũng có thể gây hại cho smartphone vì cản trở chức năng làm mát, đặc biệt trong mùa hè.

ha nhiet smartphone Tiepthigiadinh H2
Tháo ốp lưng khi smartphone bị nóng là việc làm cần thiết

Khi thời tiết nóng bức, bạn nên sử dụng các loại ốp silicon để vừa bảo vệ smartphone, vừa giảm nóng so với các loại ốp có chất liệu khác. Nếu smartphone bị nóng, hãy tháo ốp lưng và để trong túi, balo để tránh va chạm, không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người.

Khởi động lại smartphone

Trong quá trình sử dụng smartphone, các ứng dụng và tính năng trên máy đều sẽ tiêu tốn một lượng RAM nhất định. Vì vậy, các dữ liệu chứa trong RAM sẽ bị quá tải sau một thời gian dài. Khi máy quá nóng và chậm, bạn hãy tắt nguồn và khởi động lại máy. Việc này sẽ giúp refresh đồng thời giải phóng bộ nhớ RAM, giúp giải quyết tình trạng nóng máy.

Sử dụng của tính năng tiết kiệm pin

Bật tính năng tiết kiệm pin cũng là cách hiệu quả để hạn chế lượng nhiệt tỏa ra từ thiết bị. Với iPhone, Chế độ nguồn điện thấp sẽ tắt kết nối 5G, giảm thời gian chờ khóa màn hình và tắt một số tác vụ chạy nền. Những thay đổi này sẽ giúp pin trụ lâu hơn, đồng thời hạn chế tình trạng quá nhiệt đột ngột. Các smartphone sử dụng Android cũng có tính năng tiết kiệm pin và thêm một vài tính năng như giảm sức mạnh phần cứng xuống chỉ còn 70%...

Xóa các ứng dụng không cần thiết

Có những ứng dụng nặng chạy ngầm mà chúng ta không hề hay biết, gây ra các vấn đề về nóng máy và hao pin. Tốt hơn hết là bạn nên lọc và xóa các ứng dụng không sử để tiết kiệm pin và tránh nóng máy.

Tuyệt đối không để smartphone vào tủ lạnh hay rửa bằng nước

Nhiều người dùng lầm tưởng đưa điện thoại vào tủ lạnh có thể giúp làm mát, giúp thiết bị phục hồi nhanh hơn. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng thói quen này không tốt cho smartphone bởi nhiệt độ quá thấp có thể làm ngưng đọng hơi nước bên trong máy, gây hư hỏng linh kiện.

ha nhiet smartphone Tiepthigiadinh H3
Tuyệt đối không để smartphone vào tủ lạnh hay rửa bằng nước

Một số người còn xả nước lạnh vào smartphone vì tin tưởng vào khả năng chống nước mà nhà sản xuất cam kết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các chuẩn kháng nước hãng đưa ra như IP67, IP68 chỉ là giới hạn chịu đựng của smartphone dưới môi trường nước với độ sâu cụ thể, không đồng nghĩa với việc chúng có thể “sống sót” dưới lực nước mạnh như nước từ vòi.

Cùng chuyên mục