Chủ nhật, 10/11/2024, 12:06 (GMT+7)

Các doanh nông biến nông sản thành sản phẩm độc đáo đến người tiêu dùng

Tại chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh, nhiều doanh nông đã có nhiều ý tưởng sản xuất nông sản địa phương thành những sản phẩm độc đáo và giá trị.

Ngày 9/11, vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng/dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 đã chính thức diễn ra tại TP HCM. Chung kết cuộc thi có sự tham gia của 36 ý tưởng/dự án.

Trình bày dự án “Bánh củ mì nhân thịt Lowcarb”, anh Mai Tuấn Anh (TP HCM) cho biết, tốc độ tăng trưởng béo phì của Việt Nam thuộc hạng top thế giới, cho nên với đặc điểm lowcarb của củ khoai mì và đặc biệt đó cũng là một nông sản đặc trưng của địa phương Củ Chi (TP HCM), anh đã nghĩ đến sản phẩm bánh củ mì nhân thịt lowcarb.

z6014623775868_736024d6e2
Sản phẩm bánh củ mì thu hút nhiều khách hàng quan tâm.

Bánh khoai mì của Cusami được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa. Sản phẩm cung cấp năng lượng bền vững, giúp bạn no lâu hơn và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Hiện tại dự án đang hai dòng chính: Bánh giò khoai mì, bánh khoai mì nướng.

Chia sẻ tham vọng xa hơn, anh Mai Tuấn Anh nói: “Hiện chúng ta đã có cà phê rất nổi tiếng, nhưng lại chưa có sản phẩm bánh để ăn kèm với cà phê. Nên tham vọng của chúng tôi có thể làm sản phẩm bánh từ củ khoai mì bản để ăn kèm với cà phê".

z6014623664957_4bc5df9cdab5ecd4d5352bb371ae9f1f
Sản phẩm làm từ nông sản được các doanh nông giới thiệu tại cuộc thi.

Tiếp đó là dự án "Lucbinhgauze: Băng gạc sinh học từ cây lục bình" của nhóm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Dương Chí Linh, Phạm Quốc Huy đến từ Trà Vinh. Cả ba thí sinh trong nhóm đều đang là sinh viên đại học Trà Vinh, với ý tưởng đột phá là chiết xuất xenlulozơ từ cây lục bình để làm nên băng gạc Hydrogel.

Theo bạn Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, LucbinhGauze là loại băng gạc y tế được sản xuất từ sợi xenlulozơ của cây lục bình. Sản phẩm có khả năng hút dịch, tạo gel, độ ẩm, bảo vệ và làm lành vết thương hiệu quả. Đặc biệt, băng gạc sinh học từ lục bình còn có ưu điểm là dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, trong sáng 9/11 còn có 10 dự án khác trình bày ý tưởng của mình cho ban giám khảo. Nổi bật như: Dự án “Mô hình sinh kế bản địa gắn với bảo tồn văn hóa truyền đồng bào Mông trên địa bàn huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn”; dự án “Dalat Chicory Tea- Trà sức khoẻ từ cây bồ công anh tím canh tác hướng hữu cơ;  dự án “Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi khử mùi”...

z6014623862629_edaecbad919ad68c992fde9de15db153
Khách tham quan các gian hàng của những dự án tại cuộc thi.

Trong phần nhận xét của mình, giám khảo Phan Văn Minh – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Môi trường – Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường – Trường Đại học Nông lâm TP HCM cho biết: "Một số dự án đã chuẩn bị đầy đủ hơn về các giấy tờ kiểm định, phân tích thành phần nguyên liệu đầu vào, đất, kim loại…điều đó cho thấy nhiều dự án có sự chuẩn bị rất chu đáo”.

Thậm chí một số dự án đã ra mắt thêm dòng sản phẩm mới sau khi được góp ý của ban giám khảo vòng bán kết. Như dự án “Chanh rừng Co Loi – Mẫu Sơn và các sản phẩm từ chanh rừng hướng tới sản phẩm OCOP”, của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Phương Thuỳ, Tô Phương Quỳnh đã có thêm dòng sản phẩm mới từ mứt, kẹo hay dạng viên nén trị ho kết hợp mật ong từ chanh rừng…

z6014627687361_911d6b4e4f
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA).

Phát biểu tại cuộc thi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), cho biết: Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh năm nay có 12 ý tưởng và 24 dự án đến từ 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Chúng tôi rất mừng vì cuộc thi năm nay thu hút được nhiều ý tưởng, dự án từ miền Trung và nhiều tỉnh cực Bắc của tổ quốc.

Chia sẻ thêm về cuộc thi, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, sáng nay tôi đã từ đến sớm, đi một vòng các dự án, thấy rất mừng khi gặp nhiều bạn của các dân tộc, Dao, Mông, Tày, Nùng, Thái… tham gia.

“Sau khi các bạn tham gia vào chương trình này, bất kể có đến được chung kết hay không, thì các bạn đều được tham gia vào các bussiness tour, các cuộc triển lãm… Đặc biệt, mỗi bạn tham gia được tham gia vào 30 suất học mà chúng tôi tổ chức hàng tuần, hàng tháng. Năm nay, việc kết nối với thị trường quốc tế được coi trọng hơn, để các bạn có thể sớm tiếp cận với tiêu chuẩn và thị trường quốc tế”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh năm nay do Hội DN HVNCLC, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA phối hợp cùng Công ty CP Vinamit, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 967 triệu đồng, trong đó 222 triệu đồng tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả 2 bảng A – B.

Bảng A có 5 giải thưởng trị giá 200 triệu, trong đó tiền mặt là 45 triệu đồng; Các giải quy đổi ươm tạo khác là 155 triệu đồng. Bảng B có 11 giải thưởng trị giá giải thưởng: 650 triệu đồng, trong đó tiền mặt: 180 triệu đồng; Các giải quy đổi hoạt động khác là 470 triệu đồng.

Cùng chuyên mục