Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 26/10/2023, 07:13 (GMT+7)

Công ty fintech giải bài toán cho vay bằng dữ liệu tại Đông Nam Á

Nhiều người dân Đông Nam Á chưa tiếp cận được khoản vay từ ngân hàng truyền thống và các công ty fintech đang giải quyết bài toán này bằng công nghệ và dữ liệu.

Nhiều startup Đông Nam Á đang mở rộng cấp tín dụng đối với người dùng trẻ tuổi. Nhiều người trong số này không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ tài chính truyền thống, ngay cả khi nhiều nhà băng lớn trong khu vực đang nỗ lực chuyển đổi số.

Theo Nikkei, các dịch vụ ngân hàng số và mua trước, trả sau (BNPL) đang nhanh chóng lấp đầy các khoảng thiếu hụt về tín dụng trong khu vực trong bối cảnh sự phổ biến của smartphone và các sàn TMĐT giúp fintech có thêm dữ liệu khách hàng và sàng lọc cả các khách hàng có ít hoặc thậm chí không có lịch sử tín dụng.

cx5pfavd-322
(Ảnh: Nikkei).

Dịch vụ cho vay đang trở thành tuyến đầu của mảng tài chính khi ngày càng có nhiều công ty bước chân vào mảng ngân hàng thông qua thâu tóm hoặc mua cổ phần các ngân hàng truyền thống.

Ganis Pawestri, một kế toán 27 tuổi ở trung tâm Jakarta, không có thẻ tín dụng. Thay vào đó, cô dùng ứng dụng Akulaku cho các khoản mua sắm hàng ngày và một số món đồ thời trang trực tuyến. Cô chi tiêu khoảng 800.000 rupiah (50 USD) mỗi tháng.

Vào cuối tháng, cô thanh toán thông qua ngân hàng trực tuyến cùng do Akulaku vận hành. Cô không phải chịu lãi suất cho các khoản thanh toán hàng tháng này. Với các món đồ giá cao hơn, Ganis Pawestri có thể trả góp làm 3 lần với lãi suất tối đa 2%.

“Không có trải nghiệm tốt với các ngân hàng”, Ganis Pawestri nói với Nikkei. Sau khi tốt nghiệp, cô bị từ chối cấp thẻ tín dụng vài lần. Ngay cả khi đã qua được bước sàng lọc ban đầu ở một ngân hàng khác, cô cũng mất vài tuần để nhận ra thẻ tín dụng đã bị thất lạc trong quá trình chuyển phát.

Các dịch vụ tài chính như Akulaku rất phổ biến ở Indonesia, nơi chỉ khoảng 5% người dân có thẻ tín dụng. Ra mắt vào năm 2016, hơn 60% trong số 5 – 7 triệu người hàng tháng của Akulaku là những người thuộc thế hệ millennial.

“Phục vụ khách hàng trên kênh số là rất quan trọng với mảng tài chính” để mở rộng tập khách hàng ở quốc đảo như Indonesia, Efrinal Sinaga, chủ tịch Akulaku Finance, chia sẻ. Tập đoàn này đặt mục tiêu có 50 triệu khách hàng ở Đông Nam Á vào năm 2025.

Với khách hàng của Akulaku, điểm hấp dẫn nhất nằm ở việc họ có thể được vay dễ dàng ngay cả khi không hoặc điểm tín dụng hạn chế. Không dùng thông tin định danh cá nhân, Akulaku xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng bằng cách hợp tác với nhà mạng và các sàn TMĐT để đánh giá khả năng trả nợ thông qua thói quen chi tiêu. Các nền kinh tế mới nổi như Indonesia thường không có hoặc chậm phát triển các cơ sở dữ liệu tín dụng tập trung.

Akulaku đặt một hạn mức tín dụng cho mỗi khách hàng, dựa trên lịch sử thanh toán và thu nhập, để giúp khách hàng không chi tiêu quá tay. Pawestri bắt đầu dùng ứng dụng với hạn mức 3 triệu rupiah, hạn mức này tăng gấp đôi 1,5 năm sau đó khi cô dùng ứng dụng thường xuyên hơn.

Theo một nghiên cứu của CIIP, một đơn vị phi lợi nhuận thuộc Temasek Trust ở Singapore, 63% người dùng fintech là khách hàng mới và 57% nói rằng họ không được tiếp cận với các phương án thay thế khác. Con số này đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống lần lượt là 46% và 40%.

Dù vậy, các công ty fintech “thường cung cấp các sản phẩm với kỳ hạn ngắn hơn và lãi suất năm cao hơn”, báo cáo nêu.

Xuất bản hồi tháng 6, báo cáo này là nghiên cứu toàn diện đầu tiên về tác động toàn diện ở Đông Nam Á. Nó khảo sát 6.500 khách hàng của các dịch vụ tài chính ở 6 quốc gia: Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

“Fintech tăng cường giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này thể hiện thực tế về số lượng người dân chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ trong khu vực”, Dawn Chan, CEO CIIP, nói. Mặc dù các ngân hàng/công ty truyền thống cũng đang tham gia vào mảng số hóa, fintech “linh hoạt hơn”, ông Chan nói về tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường và đầu tư.

Một số ngân hàng lớn nhất Châu Á cũng đang đẩy mạnh mảng cho vay số tại Đông Nam Á. Năm ngoái, Siam Commercial Bank (Thái Lan) đầu tư 100 triệu USD vào Akulaku, trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản MUFG cũng đầu tư 200 triệu USD và giữ khoảng 10% cổ phần của nhà băng trực tuyến Indonesia này.

Mizuho Bank (Nhật Bản) hồi tháng 3 đã dẫn dắt một vòng gọi vốn 270 triệu USD cho Kredivo Group, một đối thủ của Akulaku tại Indonesia. Ra mắt vào năm 2016, Kredivo nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao hơn ở quốc gia này. Đây là nhóm khách hàng có thu nhập hàng tháng tối thiểu từ 3 triệu rupiah.

Trong một bài phỏng vấn với Nikkei, Kazutoshi Isogai, giám đốc mảng ngân hàng doanh nghiệp và bán lẻ của Mizuho, nói rằng Việt Nam, Philippines và Indonesia là “những thị trường ngân hàng bán lẻ hứa hẹn nhất”. Ông đồng thời nhấn mạnh nhà băng Nhật này cũng có thể sẽ mở rộng hợp tác vào các thị trường mới. Bên cạnh Indonesia, Kredivo hiện cũng hoạt động tại Việt Nam.

Tận dụng công nghệ tín dụng lõi của mình, Kredivo đã mở rộng các dịch vụ cung cấp, bao gồm phát hành thẻ tín dụng riêng. Công ty này cũng đang hướng đến kế hoạch ra mắt một ngân hàng số “vào một thời điểm trong năm nay, phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan quản lý”, Abhijay Sethia, giám đốc chiến lược của Kredivo, chia sẻ.

Indonesia đang chứng kiến làn sóng các công ty công nghệ thâu tóm các ngân hàng truyền thống và biến chúng thành ngân hàng số. Năm ngoái, Kredivo mua cổ phần lớn của Bank Bisnis Internasional. Grab và Singtel cũng lên kế hoạch mở một ngân hàng số riêng trong năm nay ở Indonesia sau khi mua cổ phần tại một nhà băng tư nhân nhỏ. Đầu tháng này, KakaoBank (Hàn Quốc) công bố sẽ mua 10% cổ phần liên doanh này.

Mặc dù còn sớm để đánh giá, các tay chơi mới gia nhập thị trường cũng đang cải thiện chất lượng tín dụng. Báo cáo của CIIP cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các công ty fintech và công ty phi ngân hàng truyền thống “chỉ cao hơn một chút so với ngân hàng”. Năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của fintech là 2,8%, cao hơn so với con số 2,5% của ngân hàng truyền thống.

Thế nhưng, tương tự nhiều startup, nhiều fintech mới đang lỗ. Chìa khóa cho sự tồn tại của họ sẽ là phục vụ khách hàng một cách bền vững. Advance Intelligence Group (Singapore), công ty vận hành một dịch vụ tín dụng có tên Atome, tuyên bố rời Việt Nam hồi tháng 7 dù mới chỉ vào thị trường từ năm ngoái.

Cùng chuyên mục