Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 30/07/2023, 17:06 (GMT+7)

Thế giới vắng bóng startup “kỳ lân” nửa đầu năm 2023

Số lượng startup đạt mốc định giá trên 1 tỷ USD giảm gần 80% so với đỉnh cao của năm 2021.

Số lượng startup “kỳ lân” (thuật ngữ chỉ các startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên) đang giảm trên toàn thế giới khi các nhà đầu tư thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, Nikkei đưa tin.

Khi dòng tiền đầu tư vào các startup cạn dần, số lượng startup đạt mốc “kỳ lân” mỗi tháng giảm xuống còn 7,3 công ty trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 80% so với mức trung bình đỉnh 50,1 startup “kỳ lân” mới mỗi tháng ghi nhận trong năm 2021, theo số liệu từ PitchBook. Ở Mỹ, giới đầu tư mạo hiểm bắt đầu chuyển hướng tập trung vào việc tìm và nuôi dưỡng các công ty thực sự hứa hẹn thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư kiếm tiền nhanh.

Hồi cuối tháng 6, IRL, một startup ứng dụng nhắn tin Mỹ, quyết định đóng cửa áu khi bị cáo buộc lừa dối về số lượng người dùng. Công ty này được cho là đã vi phạm các quy định về chứng khoán sau khi sự thật về việc nó không thể đạt được các mục tiêu như đã cam kết với các nhà đầu tư bị phơi bày.

Được định giá ở mốc 1,17 tỷ USD vào năm 2021 sau khi được quỹ Vision Fund của SoftBank rót vốn, IRL từng khẳng định có 20 triệu người dùng hoạt động. Dù vậy, tháng trước, một người phát ngôn của công ty thừa nhận rằng 95% người dùng của IRL “được tự động hoặc là bot”.

IRL là một trong số rất nhiều startup “kỳ lân” sụp đổ khác, trong đó có Zume, một nhà sản xuất robot làm bánh pizza. Cùng được SoftBank đầu tư, Zume từng đạt định giá 2,25 tỷ USD vào năm 2018. Không thể đạt được các mục tiêu lợi nhuận, nhiều startup từng là “kỳ lân” đang cắt giảm vận hành và nhân sự, rồi thạm chí dần đóng cửa hoạt động khi cạn vốn.

Screen Shot 2023-07-30 at
Số lượng startup “kỳ lân” mới được tạo ra trung bình mỗi tháng trên toàn thế giới trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023. (Nguồn: PitchBook).

Năm 2021, thế giới ghi nhận trung bình mỗi tháng có 50 startup “kỳ lân” mới, chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc, theo PitchBook. Thời điểm đó, số lượng “kỳ lân” tăng mạnh do quỹ Vision Fund của SoftBank và nhiều nhà đầu tư khác đổ tiền vào các startup “giai đoạn sau”.

Các nhà đầu tư có nhiều vai trò khác nhau trong giai đoạn phát triển của các startup. Ví dụ, các nhà đầu tư hạt giống giúp startup bước đầu có thể đi vào hoạt động, trong khi đó nhà đầu tư ở “giai đoạn đầu” giúp các startup bắt đầu định hình mô hinh kinh doanh. Các nhà đầu tư “giai đoạn sau” giúp startup mở rộng sản lượng và thị phần.

Trong những năm “kỳ lân” bùng nổ, nhiều nhà đầu tư đã gia nhập thị trường với mong muốn kiếm được lợi nhuận nhanh từ các đợt IPO của startup. Dù vậy, thực tế này đã nhanh chóng thay đổi sau khi FED có nhiều đợt tăng lãi suất kể từ đầu năm ngoái. Năm 2022, các đợt IPO đã kêu gọi được tổng cộng 22 tỷ USD ở Mỹ, giảm hơn 90% so với một năm trước đó, theo Dealogic.

Hoạt động đầu tư được dự đoán tiếp tục đi ngang trong năm nay khi các chính sách thắt chặt tiền tệ khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn với rủi ro. Thực tế này khiến các startup đang kỳ vọng vươn mình thành “kỳ lân” gặp nhiều khó khăn. PitchBook nói rằng các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ chi ra 39,8 tỷ USD vốn đầu tư tại Mỹ trong quý 2/2023, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Screen Shot 2023-07-30 at
Định giá các đợt IPO tại Mỹ giảm mạnh sau khi FED bắt đầu tăng lãi suất. (Nguồn: Dealogic).

Dù vậy, một số nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon vẫn tỏ ra lạc quan về thị trường startup.

“Vốn và cơ hội đang có mức độ phân cực cao”, Lu Zhang, người sáng lập quỹ Fusion Fund, nói. “Các công ty hoạt động tốt với khả năng gọi vốn đang nhận được nhiều vốn đầu tư hơn trung bình năm 2022”, bà chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh nhiều nhà sáng lập có năng lực đang thành lập các công ty mới. “Những nhà sáng lập này có chất lượng thuộc hàng cao nhất Thung lũng Silicon. Họ đã quan sát thị trường trong thời gian đủ lâu và đây là thời điểm tốt để họ gia nhập”, bà nói thêm.

Sự lạc quan dành cho mảng AI tạo sinh (generative AI) đang có xu hướng tăng. Inflection AI, startup do đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và cộng sự sáng lập hồi năm ngoái, đã kêu gọi được 1,5 tỷ USD vốn đầu tư. Dữ liệu từ CB Insights cho thấy các startup Bắc Mỹ nhận được nhiều vốn đầu tư nhất trong mảng AI tạo sinh. Trong khi đó, mảng này lại hoàn toàn vắng bóng các startup Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều tín hiệu tích cực cho các startup ở giai đoạn “hạt giống” tại Mỹ. Quy mô trung bình của các vòng đầu tư “hạt giống” trong nửa đầu năm 2023 đạt 2,9 triệu USD khi các nhà đầu tư dồn tập trung vào nuôi dưỡng các thế hệ startup tiếp theo.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục