Tiki hoạt động ra sao trước tin đồn người sáng lập kiêm CEO Trần Ngọc Thái Sơn đệ đơn từ chức?
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành “kỳ lân” TMĐT đầu tiên của Việt Nam, Tiki đang thể hiện rõ sự hụt hơi so với các đối thủ.
Mới đây, Deal Street Asia bất ngờ đưa tin ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm CEO sàn TMĐT Tiki được cho là đỡ nộp đơn từ chức lên hội đồng quản trị công ty.
Được truyền cảm hứng từ Jeff Bezos và Amazon, ông Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập Tiki vào năm 2010 như một trang bán sách trực tuyến. Tiki là viết tắt của từ “tìm kiếm” và “tiết kiệm”. Tên gọi này thể hiện tầm nhìn của Tiki trong việc mang đến cho người dùng một trải nghiệm tốt hơn và phải chăng hơn cho người dùng. Tiki từng được kỳ vọng sẽ trở thành startup “kỳ lân” (thuật ngữ dùng để chỉ các startup đạt được định giá tối thiểu 1 tỷ USD) đầu tiên ở mảng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam).
Tụt dốc trong cuộc đua với các đối thủ

Theo thống kê từ Metric, trong quý I/2023, doanh thu của Tiki ghi nhận ở mức 846,5 tỷ đồng, xếp số 4 trong danh sách các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam với khoảng cách khá lớn. Doanh thu của Tiki thậm chí còn thấp hơn nhiều so với “lính mới” TikTok Shop (6 nghìn tỷ). Trong khi đó, dẫn đầu cuộc đua doanh thu tại Việt Nam là Shopee và Lazada với doanh thu lần lượt là 24,7 nghìn tỷ đồng và 7,5 nghìn tỷ đồng.
Về mặt sản lượng, trong 3 tháng đầu năm, Tiki cũng thể hiện sự hụt hơi so với các đối thủ khi chỉ đạt 2,8 triệu sản phẩm, thấp hơn nhiều so với Shopee (289,7 triệu sản phẩm), Lazada (55,2 triệu sản phẩm) và TikTok Shop (42,1 triệu sản phẩm). Sản lượng của Tiki chỉ cao hơn duy nhất so với Sendo (290 nghìn sản phẩm).
Trước đó, theo báo cáo của Momentum Works, Tiki đứng thứ 3 về giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) trên thị trường TMĐT Việt Nam trong năm 2022 với tỷ trọng 6%, thấp hơn so với con số 65% và 23% của Shopee và Lazada.
Những dấu hiệu u ám đầu tiên của Tiki

Doanh thu trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022) của Tiki giảm 7% so với năm tài chính năm 2021, theo Tech in Asia. Cần lưu ý rằng báo cáo tài chính năm 2022 của Tiki được kiểm toán, còn số liệu của năm 2021 thì không. Cùng thời điểm, tổng chi phí của Tiki tăng 4%. Kết quả là lỗ hoạt động của Tiki đã mở rộng thêm tới 39% trong năm 2022.
Tiki, hoạt động theo cả mô hình B2C và C2C, chia doanh thu làm 2 phần: doanh thu từ hàng hoá và doanh thu từ dịch vụ. Trong đó, doanh thu từ hàng hoá chiếm tới 88% tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.
Ở mảng dịch vụ, logistics là mảng thể hiện được sự tăng trưởng tốt khi tăng doanh thu 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tech in Asia cho biết Tiki đã đầu tư mạnh mẽ vào năng lực logistics của riêng mình. Ngược lại, thu phí sàn giao dịch lại giảm 37%. Cần lưu ý rằng mảng dịch vụ tăng trưởng mạnh nhất của tiki là Tiki Ads với tốc độ tăng trưởng 131% so với năm 2021. Dù vậy, Tiki Ads mới chỉ đóng góp được 2% trong tổng doanh thu công ty.
Trong khi doanh thu giảm 7% trong năm 2022, chi phí bán hàng của Tiki chỉ giảm 1%. Điều này đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận gộp của nó giảm từ -9% xuống -16%. Trong đó, biên gộp của mảng hàng hoá là -19% còn mảng dịch vụ là 3%. Thực tế này cho thấy khả năng sinh lời của Tiki có thể được cải thiện nếu như tốc độ tăng trưởng doanh thu từ mảng dịch vụ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.
Trong vài năm trở lại đây, Tiki đang nỗ lực đang dạng hoá sản phẩm, dịch vụ. Ông Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ với Tech in Asia rằng Tiki hướng đến trở thành một “hệ thống hạ tầng mở” nơi startup có thể xây dựng “bất kỳ thứ gì họ nghĩ là hữu ích đối với cộng đồng các nhà bán hàng và khách hàng của chúng tôi”.
Giấc mơ “kỳ lân” niêm yết sàn Mỹ

Tiki từng thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các nhà đầu tư uy tín. Gần đây nhất, vào tháng 5/2022, Shinhan Financial Group đã mua 10% cổ phần của Tiki để trở thành cổ đông lớn thứ 3 của sàn TMĐT này.
Trước đó, vào tháng 11/2021, Tiki gọi được 258 triệu USD vốn đầu tư trong vòng gọi vốn do AIA Insurance Inc dẫn dắt. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vào vòng gọi vốn này có thể kể đến UBS AG London Branch, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile Co và STIC GIGF Ltd. Thời điểm đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn nói rằng định giá của Tiki đã tiệm cận mốc 1 tỷ USD.
Chia sẻ trên Bloomberg, ông Sơn nói rằng Tiki muốn thực hiện IPO trên sàn Mỹ sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2025. Đợt IPO này có thể được thực hiện qua hình thức sáp nhập với một công ty séc trắng.
“Chúng tôi thực sự tập trung vào Việt Nam và chúng tôi muốn đóng góp 1%, 2%, 3% GPD của Việt Nam”, CEO Tiki tự tin nói với Bloomberg.