Doanh thu của startup 'kỳ lân' MoMo chạm mốc 355 triệu USD trong năm 2022
MoMo là một trong những startup fintech hiếm hoi tại Việt Nam đạt danh hiệu "kỳ lân" (startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên).
Với hơn 31 triệu người dùng đăng ký, MoMo vẫn khẳng định được vị thế là ví điện tử lớn nhất và phổ biến nhất tại Việt Nam. Là một ví điện tử độc lập và không được tích hợp vào hệ sinh thái có sẵn nào, MoMo đang nỗ lực mở rộng mạng lưới của mình, gần đây nhất là bằng cách hợp tác với các ông lớn như Gojek, Western Union và Apple, theo Tech in Asia.
MoMo được thành lập vào năm 2010 bởi một nhóm doanh nhân Việt Nam muốn hướng tới một “tầm nhìn không tiền mặt” cho Việt Nam nơi mọi người đều có thể thanh toán bằng thiết bị di động của mình. MoMo trở thành startup “kỳ lân” vào năm 2021 sau khi kêu gọi được 200 triệu vốn đầu tư ở vòng gọi vốn do Mizuho Bank (Nhật Bản) dẫn dắt.
Doanh thu của MoMo cũng liên tục tăng trong các năm hoạt động. Năm 2022, MoMo ghi nhận 355 triệu USD doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu mà VentureCap Insights có được.
Năm ngoái, lợi nhuận gộp của MoMo tăng 45,7% so với năm 2021, dù vậy lỗ hoạt động của công ty này tăng 38,8% trong cùng kỳ. Nhìn ở khía cạnh tích cực, MoMo đang ghi nhận tốc độ tăng doanh thu vượt qua tốc độ tăng chi phí. Điều này đồng nghĩa với việc MoMo vẫn đang tăng trưởng bền vững, Tech in Asia nhận định.
Năm 2022, chi phí bán hàng của MoMo tăng 37% lên mốc 93,8 triệu USD. So với năm 2021, chi phsi quản lý cũng tăng tới 78,7%. MoMo từ chối bình luận về các số liệu tài chính của mình.
Theo Tech in Asia, MoMo đang nuôi tham vọng xây dựng một nền tảng tài chính toàn diện mà người dùng cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đều có thể tham gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, MoMo thâu tóm startup AI Pique vào năm 2021 và phần mềm bán hàng Nhanh vào năm 2022.
Cho tới thời điểm hiện tại, tổng số vốn mà MoMo đã kêu gọi đầu tư thành công là 333,8 triệu USD (chỉ tính các đợt gọi vốn công khai).