Thứ tư, 06/11/2024, 05:23 (GMT+7)

Bột ngọt không rõ nguồn gốc ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng?

Trên thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm bột ngọt (mì chính) với nhiều thương hiệu không rõ nguồn nguyên liệu được nhập từ nước nào, được san chia, đóng gói và tiêu thụ trong nước. Sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế đất nước.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Thời gian qua, tình trạng số lượng lớn sản phẩm bột ngọt được đóng gói không ghi rõ xuất xứ, tên, tổ chức sản xuất trước khi sản phẩm mì chính được san chia, đóng gói bởi doanh nghiệp ở Việt Nam rồi tung ra thị trường tiêu thụ.

Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề chất lượng, xuất xứ sản phẩm trước khi mua, bởi những sản phẩm không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Hương Lan, Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm - Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mặt hàng thực phẩm, gia vị là những mặt hàng nhu yếu phẩm mà chúng ta ăn vào hàng ngày, nếu không may mua phải sản phẩm không uy tín, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng Việt lại chưa có thói quen kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi mua. Tiêu thụ thực phẩm, gia vị không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể là trước mắt hoặc về lâu về dài. Do đó, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, hiểu rõ sản phẩm trước khi mua để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, gia vị.

Không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, bột ngọt san chia, đóng gói không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất uy tín và môi trường đầu tư trong nước.

Khi mua và sử dụng phải loại sản phẩm này, trước mắt, người tiêu dùng đã bị mất tiền oan, nếu không đảm bảo về mặt ATVSTP thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cơ thể như gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nếu như có các chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan thận của cơ thể.

Bột ngọt nhập lậu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế đất nước, bởi đây là hành vi gian lận, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thu giữ số lượng lớn bột ngọt nhập lậu

Theo Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết, đầu tháng 9/2024, đơn vị đã tiến hành khám phương tiện vận tải xe ôtô mang biển số đăng ký 74D - 001XX do ông T.V.V, có địa chỉ tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là người điều khiển phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện trên phương tiện có 75kg bột ngọt trên bao bì in hình "cái muỗng" (gồm 150 gói, loại 500g/gói) do Thái Lan sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Làm việc với tổ công tác, ông T.V.V đã thừa nhận là chủ sở hữu số hàng hóa nêu trên. Đội Quản lý thị trường số 2 tạm giữ số hàng hóa vi phạm nói trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

nh 2
Đội Quản lý thị trường số 2 tạm giữ bột ngọt nhập lậu (ảnh: QLTT)

Trước đó, ngày 30/8/2024, qua thực hiện công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh N.T.T.T, địa chỉ tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và phát hiện, tạm giữ 100 gói bột ngọt Thái Lan sản xuất nhập lậu với tổng trọng lượng là 50kg.

Qua đó có thể thấy, thói quen tiêu dùng của người dân là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên động cơ thúc đẩy các đối tượng thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu nói chung cũng như mặt hàng bột ngọt nói riêng, trở thành mối nguy hại và nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các lực lượng chức năng.

Muốn hoạt động đấu tranh phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm mà nhất là tình trạng buôn lậu các mặt hàng bột ngọt, đường cát... được nâng cao hiệu quả cần có sự chung tay của không chỉ các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất trong nước mà còn là của chính người tiêu dùng.

Các quy định về nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa

Theo tìm hiểu của phóng viên, hướng dẫn từ cơ quan chức năng về ghi nhãn hàng hóa với sản phẩm bột ngọt san chia để đóng gói như sau:

Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm có:

1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa;

d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan. 

Về cách ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đối với hàng hóa đóng gói, đóng chai:

Tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: “Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép”. 

Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết thi hành khoản 6 Điều 12 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định:

“Hàng hóa chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.

Ví dụ: cho phép san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai theo hợp đồng.

Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai”. 

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm có quy định yêu cầu đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm như sau:

“Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản". 

Qua đó, các doanh nghiệp khi ghi nhãn hàng hóa san chia, đóng gói phải đáp ứng quy định của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng quy định ghi nhãn trong nước đối với hàng hóa sản xuất trong nước và đáp ứng quy định ghi nhãn với hàng hóa san chia, sang chiết.

Thông tin về xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP như sau:

"1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

2. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.

Tại Điều 193 của Bộ luật quy định về “Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm” ghi rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02-05 năm, bất kể số lượng và giá trị là bao nhiêu. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…mức án tù cũng tăng lên từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là tù chung thân. Cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt hành chính từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng chuyên mục