Bộ Công an dự kiến định danh số nhà: Lo ngại tài sản riêng tư bỗng nhiên bị lộ?
Bộ Công an dự kiến định danh số nhà và căn hộ chung cư để dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản.
Định danh số nhà để làm gì?
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an gần đây đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đáng chú ý, theo C06, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản (BĐS) thông qua kế hoạch định danh số nhà.
Theo đó, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an còn có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. "C06 sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà", C06 cho biết.
Bộ Công an kỳ vọng kế hoạch này được triển khai "sẽ tiết kiệm nhiều chi phí" cho Nhà nước khi tận dụng được dữ liệu có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của C06, giải thích thông qua định danh số nhà sẽ dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản và ở đâu. Có dữ liệu này, các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng.
Ông Vĩnh nói Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Bộ Công an sau đó sẽ dựa vào đây, cùng với thông tin thu thập từ UBND các cấp để định danh số nhà.
Tài sản là chuyện riêng tư, có nên định danh số nhà?
Ngay sau khi thông tin về kế hoạch định danh số nhà được công bố trên báo chí, dư luận chia thành nhiều luồng ý kiến. Có ý kiến cho rằng, tài sản là chuyện riêng tư, bỗng nhiên bị lộ lọt là điều họ không muốn.
Trả lời VTV, ông Nguyễn Minh Túy (ở quận 3, TP.HCM) cho biết: "Định danh vào tài sản, thửa đất, nhà cửa thì dân không đồng tình đâu vì của người ta làm ra tích cóp, giấu cho con cháu người ta mà bây giờ định danh thì giống như phô trương ra".
Trái với ý kiến của ông Túy, ông Trần Đăng Khoa (ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) nói: "Để tránh tình trạng đứng tên hộ hay rửa tiền, một người có nhiều nhà nhưng thực ra kê khai lại không có nhà hoặc chỉ có 1 nhà. Đây chính là kẽ hở, nếu Bộ Công an có thể làm được điều này là rất tốt".
Còn ở góc độ của các chuyên gia kinh tế và chuyên gia BĐS, việc định danh số nhà giúp Nhà nước có cơ sở đánh thuế người có nhiều nhà hoặc có nhà mà không đưa vào sử dụng, nhằm kiểm soát tình trạng đầu cơ BĐS, giúp giá nhà đất ổn định hơn.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho báo Người lao động hay rằng chủ trương này rất tốt. Việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch được tài sản, tạo thuận lợi trong quản lý, truy thu thuế cũng như để những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh...) khai thác, sử dụng được chính xác.
"Đây cũng là một hình thức để giám sát tài sản của cán bộ, công chức và người nhà của cán bộ, công chức. Khi thực hiện xong định danh số nhà thì mọi người đều phải trung thực, công khai, minh bạch mọi thứ. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng".
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM) trả lời VTV rằng: "Bây giờ một người đầu cơ hàng chục cái nhà, găm giữ ở đó để thổi giá, đẩy giá, thao túng thị trường BĐS thì không thể chấp nhận để thị trường phát triển theo hướng đó".
TS Nguyễn Hữu Huân (Chuyên gia kinh tế, Giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết, khi mà áp những luật thuế, chẳng hạn như đánh thuế căn nhà thứ hai thì nó hạn chế được sự đầu cơ, giúp cho giá nhà được ổn định.
Liên quan đến nỗi lo "lộ" tài sản, luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần) cho báo Người lao động hay. khai báo tài sản với nhà nước là nghĩa vụ của công dân nên không thể nói là bị xâm phạm. Chưa kể, nếu việc giấu tài sản có căn cứ nhằm trốn thuế hay nghĩa vụ khác là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng những thông tin về tài sản cá nhân của người dân được thu thập cần bảo mật để không ảnh hưởng đời sống riêng tư của người dân.