Tái sinh rau củ từ rác bếp: Bí quyết trồng rau và thảo mộc dễ dàng ngay tại nhà
Với một chút nước, chút ánh sáng và chút khéo léo, bạn có thể tự tay trồng rau và thảo mộc tại nhà dễ dàng để có thêm thực phẩm sạch dùng hàng ngày.
Cách trồng rau thủy canh tại nhà đơn giản, dễ dàng thực hiện
3 sai lầm khi ăn rau xanh có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là số 2, ai cũng nên tránh
10 loại rau củ quả dễ "ngậm" thuốc trừ sâu nhất, ra chợ thấy cần cân nhắc kỹ trước khi chọn mua
Dưới đây là 6 cách đơn giản để trồng rau và thảo mộc đơn giản, tận dụng từ những phần bạn thường vứt bỏ.
Trồng rau diếp
Thay vì mua rau xà lách mới mỗi tuần, tại sao không tận dụng phần gốc của bó rau đã mua để trồng lại? Sau khi dùng hết phần lá, bạn hãy giữ lại phần lõi gốc, cắt cách chân khoảng 2-3cm. Đặt phần gốc này vào đĩa nông có chứa nước, đặt ở nơi có ánh sáng như bệ cửa sổ.
Chỉ sau khoảng 10–12 ngày, những lá non mới sẽ bắt đầu mọc ra từ giữa gốc. Đây là nguồn rau tươi lý tưởng để làm salad hoặc ăn kèm bánh mì mà chẳng tốn đồng nào.
Trồng rau cần tây
Cần tây là loại rau thường có giá khá cao, nhưng bạn có thể trồng lại dễ dàng từ phần gốc. Cắt rời phần chân bó cần, để lại khoảng 2–3cm. Ngâm phần gốc này vào bát nước, để nơi thoáng mát có ánh sáng nhẹ. Sau khoảng một tuần, phần thân non sẽ mọc lên.
Lúc này, bạn có thể trồng ra chậu đất để cây phát triển mạnh hơn. Cần tây trồng tại nhà thường non, ngọt và ít xơ – rất thích hợp để ép nước hoặc xào nấu.
Trồng rau húng quế
Nếu bạn là người thường nấu các món cần thảo mộc thơm, hãy bắt đầu với húng quế. Cắt phần thân dài khoảng 10cm từ một cây húng quế khỏe mạnh, loại bỏ lá phía dưới. Cho phần thân vào cốc nước sạch, đặt ở nơi có ánh sáng gián tiếp.
Sau khoảng 10–15 ngày, rễ trắng sẽ bắt đầu mọc ra. Lúc này, bạn có thể chuyển cây sang chậu đất. Húng quế rất dễ chăm và có thể dùng để làm món pesto, nêm canh hoặc pha trà thảo mộc thanh lọc cơ thể.

Trồng hành lá
Hành lá là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn Việt. Sau khi dùng xong phần thân trên, bạn hãy giữ lại phần gốc trắng dài khoảng 2–3cm. Ngâm phần rễ vào cốc nước nhỏ, để nơi có ánh sáng mặt trời.
Chỉ sau vài ngày, lá hành mới sẽ mọc vút lên. Bạn có thể cắt tỉa dần để sử dụng. Hành lá trồng thủy canh như vậy có thể thu hoạch nhiều lần, tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Trồng hành tây
Không chỉ để ướp thịt hay làm món xào, hành tây còn có thể mọc lại thành củ mới. Cắt phần đầu rễ dày khoảng 1cm, để khô từ 1–2 ngày cho se mặt. Sau đó, trồng vào chậu đất nhỏ, mặt cắt hướng lên trên và phủ một lớp đất mỏng.
Sau vài tuần, chồi xanh sẽ mọc lên và bạn có thể dùng như hành lá. Nếu để cây phát triển đủ lâu (khoảng 3–4 tháng), bạn sẽ có được củ hành tây mới hoàn chỉnh để sử dụng.
Trồng rau xanh từ củ có rễ
Bạn có thể trồng rau từ các loại củ như củ cải đỏ, cà rốt, củ dền, rễ cần tây, củ cải trắng… Chúng đều có thể mọc mầm lá khi được cung cấp độ ẩm và ánh sáng phù hợp.
Cắt phần đầu củ có rễ, đặt lên đĩa có ít nước để giữ ẩm (hoặc trồng trực tiếp vào đất). Chỉ sau 5–7 ngày, những chiếc lá xanh non sẽ bắt đầu vươn lên – bạn có thể thu hoạch chúng để ăn sống, trộn salad hoặc làm món rau xào.
Lưu ý, phương pháp này ruyệt đối không áp dụng với khoai tây vì mầm của chúng có độc.
Việc trồng rau từ phần thừa không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mua sắm, mà còn giảm thiểu rác thải sinh hoạt và mang lại không gian xanh cho căn bếp của bạn. Dù bạn sống ở thành thị chật chội hay vùng quê yên bình, chỉ cần một chút kiên nhẫn, bạn hoàn toàn có thể sở hữu một "vườn rau tái sinh" xinh xắn và hữu ích.