Muốn tiết kiệm thật sự? Hãy ngưng mua những món đồ tưởng cần nhưng lại vô nghĩa này
Mua sắm có thể khiến tâm trạng phấn chấn hơn, nhưng nếu mua quá đà và không kiểm soát, bạn có thể đang tự tay mang thêm áp lực vào cuộc sống.
Đi chợ không còn theo cảm hứng: Cách mẹ đảm tiết kiệm khéo, ăn ngon mà không lãng phí
Bí mật tiết kiệm điện mùa nóng: 8 thứ tuyệt đối không nên đặt gần điều hòa
Nhiều món tưởng là cần thiết, nhưng thực chất lại chỉ làm tốn kém, lãng phí không gian và đôi khi còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu muốn sống gọn gàng, tiết kiệm và thoải mái hơn, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi "rút ví" cho những thứ sau:
Hạn chế mua quần áo
Tủ đồ ngày càng đầy nhưng vẫn không biết mặc gì? Đó là dấu hiệu bạn đã mua quá nhiều mà không có kế hoạch rõ ràng. Quần áo thời trang thay đổi liên tục, mua theo xu hướng chỉ khiến bạn mệt mỏi chạy theo.

Thay vào đó, học cách phối đồ sáng tạo với những gì đang có sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm vừa có phong cách riêng.
Mỹ phẩm giá rẻ: Đẹp đâu chưa thấy, hại da trước tiên
Sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc hay giá rẻ bất ngờ có thể là "con dao hai lưỡi". Dùng lên da không phù hợp có thể gây kích ứng, mụn hoặc tệ hơn là tổn thương lâu dài. Đầu tư vào vài sản phẩm chất lượng, lành tính và phù hợp với da vẫn là lựa chọn thông minh hơn.
Tránh mua đồ trang trí nhà cửa online
Nhiều món đồ decor trên mạng nhìn cực lung linh, nhưng khi nhận hàng thì "vỡ mộng". Mua về không hợp với không gian, chẳng biết để đâu, cuối cùng lại chỉ làm chật nhà. Nếu muốn làm mới không gian sống, cây xanh là lựa chọn đơn giản, dễ chăm và tốt cho sức khỏe.
Không nên mua nhiều đồ ăn vặt
Không chỉ ngốn kha khá tiền mỗi tháng, đồ ăn vặt còn là thủ phạm âm thầm gây hại sức khỏe – từ béo phì, tiểu đường đến lão hóa sớm. Hạn chế mua đồ ăn vặt là cách đơn giản để ăn uống lành mạnh hơn và giảm hẳn chi tiêu không cần thiết.
Tránh mua đồ gia dụng theo cảm hứng

Bạn từng mua máy làm bánh hay lò nướng với dự định "sẽ chăm chỉ nấu nướng", nhưng thực tế lại chỉ dùng một vài lần rồi cất xó? Trước khi mua bất kỳ thiết bị nào, hãy tự hỏi: Liệu mình có thật sự cần và sẽ sử dụng nó thường xuyên? Nếu còn lưỡng lự, hãy để sang ngày mai rồi quyết định.
Không nên mua đồ dùng một lần
Ly nhựa, hộp xốp, dao thìa dùng một lần… tưởng tiện lợi nhưng lại gây hại cho môi trường và sức khỏe. Dùng nhiều vừa tốn tiền lại không tốt chút nào. Nên ưu tiên đồ dùng lâu dài, dễ vệ sinh để tiết kiệm hơn về lâu dài.
Sách: Đừng mua để… chất lên kệ
Sách là món đầu tư cho tri thức, nhưng chỉ nên mua khi bạn thật sự có thời gian và hứng thú đọc. Nhiều người mua vì theo trào lưu hay lời giới thiệu, rồi cuối cùng để bụi phủ trên kệ. Đọc trước bản xem thử hoặc nghe audio book là cách hay để chọn lọc trước khi quyết định chi tiền.
Giày dép: Đẹp đó, nhưng đi được mấy lần?
Đừng để mỗi lần đi đâu cũng mất hàng chục phút chọn giày vì có quá nhiều đôi "mua cho vui". Hãy đầu tư vào vài đôi chất lượng, phù hợp phong cách và hoàn cảnh sử dụng thay vì mua tràn lan theo trend.
Đừng mua nhiều bát đĩa, đồ nhà bếp

Bát đĩa hoa văn bắt mắt có thể làm bạn thích thú lúc đầu, nhưng khi phải rửa hàng chục cái sau bữa ăn thì lại… không vui chút nào. Đừng tích trữ quá nhiều chỉ vì đẹp, hãy chọn đủ dùng và dễ vệ sinh để giảm tải công việc mỗi ngày.
Đừng tích trữ thực phẩm
Thói quen mua nhiều thực phẩm rồi để lâu khiến đồ ăn mất ngon, hết hạn và cuối cùng là… phải bỏ. Ngày nay việc mua sắm tiện lợi hơn bao giờ hết, nên cứ dùng đến đâu mua đến đó, vừa tiết kiệm vừa giảm lãng phí.
Túi xách, điện thoại: Có thật cần phải sang chảnh?
Nếu tài chính chưa vững, đừng vội đầu tư vào túi hiệu hay điện thoại đời mới chỉ để "bằng bạn bằng bè". Thay vì chạy theo vẻ ngoài, hãy đầu tư vào sức khỏe, tri thức và trải nghiệm – những giá trị giúp bạn phát triển bền vững hơn nhiều so với món đồ đắt tiền.
Giữa thời buổi bão giá, mua ít mà chất sẽ tốt hơn mua nhiều mà… mệt mỏi. Mỗi lần cầm điện thoại đặt hàng hay bước vào siêu thị, hãy dừng lại vài giây và tự hỏi: Mình có thật sự cần nó không?