Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 12/02/2024, 07:44 (GMT+7)

Bí quyết ăn ngon mà không bị “ngán”

Tại sao ăn uống thả ga trong dịp Tết dễ bị “ngán” và sợ thực phẩm? Có cách nào để khắc phục điều này?

Vì sao chúng ta thường thấy “ngán” khi ăn Tết?

Mâm cỗ Tết theo truyền thống của người Việt có ý nghĩa rất quan trọng. Mâm cỗ đủ đầy các loại món ăn nhằm chào đón một năm mới no ấm, sung túc và tràn ngập niềm vui.

an tet
Mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt - Ảnh: Hanoi Times

Ăn liên tiếp những mâm cỗ Tết đầy đủ các món khiến chúng ta dễ bị đầy bụng, khó tiêu hóa hơn. Hệ tiêu hóa không thể xử lý hết khối lượng đạm, béo và tinh bột do không có dịch tiêu hóa đủ dẫn đến thức ăn dư thừa trong ruột và ức chế trung tâm ăn uống trên não, dẫn tới ngán ăn.

Bên cạnh đó, khi bạn ăn quá nhiều món với nhiều mùi vị khác nhau, vị giác sẽ bị trơ lỳ và không còn bị kích thích bởi mùi vị nữa. Lặp lại cùng kiểu món ăn trong nhiều ngày liên tiếp sẽ khiến bạn thấy “ngao ngán”.

5 bí quyết ăn Tết ngon mà không “ngán”

Để không bị “ngán” khi ăn Tết, hãy thử áp dụng một số bí quyết mà các chuyên gia đã đưa ra như sau:

Chỉ nên ăn vừa đủ

Ăn vừa đủ tức là bạn ăn khoảng 80% độ no, khi nào thấy bụng có cảm giác lưng lửng, vẫn hơi thòm thèm thì nên dừng lại. Nếu ưa ăn tinh bột, bạn chỉ cần ăn 1/8 cái bánh chưng, bánh tét hoặc 1/6 đĩa xôi với nửa bát cơm trong một bữa là được. Hoặc nếu đã ăn miến, đừng ăn thêm quá nhiều cơm.

Bạn cũng nên thử mỗi món 2-3 miếng là đủ. Không nên chỉ ăn chú trọng vào một món đến khi no rồi mới ăn thêm món khác.

an tet
Ăn vừa đủ để không bị “ngán” - Ảnh: 2Đẹp

Ăn đúng thứ tự

Nếu có rượu vang, hãy nhấm nháp một chút với các món nhẹ như giò thái mỏng hoặc salad để khai vị. Món chính cần ăn nóng, đậm đà, đủ vị như cơm, gà luộc, thịt đông, các món xào, bánh chưng, rau xanh...

Khi kết thúc, đừng nên ăn tráng miệng quá chua, quá cay hoặc quá béo, vì dư vị bữa ăn sẽ tồn lưu rất lâu và rất khó chịu. Bạn chỉ nên ăn nhẹ với các món trung hòa hoặc thiên về ngọt.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến vị của món ăn. Hãy ăn từ các món ăn nhẹ, đến các món ăn mặn, từ các món ăn thanh đến các món ăn đạm. Đừng làm theo chiều ngược lại, vị giác của bạn bị xóa nhòa.

Ăn salad trước rồi mới ăn đến món xào; ăn bánh chưng rồi mới ăn cơm nóng; ăn giò chả rồi mới ăn đến thịt luộc, hấp hay chiên... Mùi vị của món ăn sẽ thật hoàn hảo trong vị giác của bạn.

Ăn hài hòa các nhóm thực phẩm

Ngay cả khi ăn Tết, bạn cũng cần ăn cân bằng 4 nhóm thực phẩm để cơ thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Đừng chỉ ăn mỗi tinh bột trong cơm, xôi, bánh chưng… hay ăn nhiều đạm trong thịt gà, các loại thịt chế biến.

Rau củ quả rất quan trọng trong việc cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất. Thay vì xào rau củ với nhiều dầu, bạn có thể chế biến rau củ dưới dạng hấp, chần, luộc để món ăn thanh đạm hơn và chống “ngán”. Một đĩa rau củ luộc ngũ sắc gồm: su su, su hào, cà rốt, mướp Nhật, củ cải… vừa giúp mâm cỗ thêm đẹp lại giúp bạn tiêu hóa tốt hơn.

an tet
Các loại rau củ giúp chống “ngán” hiệu quả - Ảnh: Maggi

Một số đồ muối như dưa bẹ muối, dưa hành muối, dưa chuột muối hay các món nộm có vị chua sẽ kích thích vị giác hơn, nhưng cũng nên ăn ở mức vừa phải. Ngoài ra, đừng quên ăn trái cây theo mùa để bổ sung nước và vitamin cho cơ thể.

Kết hợp thực phẩm hợp lý

Nếu bất cẩn khi ăn nhiều thực phẩm vào dịp Tết, bạn có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, nhẹ thì rối loạn, nặng thì ngộ độc. Điều này bắt nguồn từ việc ăn quá nhiều hoặc kết hợp thực phẩm không hợp nhau.

Hãy kết hợp theo công thức: béo đi với chua (bánh chưng đi với dưa hành, thịt mỡ đi với dưa bẹ), đạm đi với cay (thịt gà chấm với muối tiêu), lạnh đi với ấm nóng (canh thịt đi với chút gừng)... Không nên ăn nhiều đồ lạnh, đồ nguội bởi chúng làm tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa, không tốt cho dạ dày.

Không khí ăn uống đầm ấm, vui vẻ

an tet
Gia đình sum vầy bên mâm cỗ Tết - Ảnh: Vietravel

Một phần quan trọng nhưng không thể thiếu để tạo nên một bữa ăn gia đình tròn trịa là không khí ăn uống. Cũng là ăn Tết nhưng trong không khí vui tươi, sum họp cả gia đình thì món ăn sẽ ngon hơn, tinh thần cũng sảng khoái hơn rất nhiều. Từ đó, dinh dưỡng từ thực phẩm cũng sẽ được hấp thu tốt nhất.

Ngược lại, dù là “mâm cao cỗ đầy” nhưng không khí ăn nặng nề hoặc thiếu vắng người thân thì món ăn sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn và dinh dưỡng cũng không được hấp thu tối ưu.

Cùng chuyên mục