Bẫy tín dụng đen cuối năm, người dân làm gì để không tự biến thành con mồi?
Cuối năm, nhiều gia đình đều mua sắm để chuẩn bị chào đón một năm mới ấm no, đủ đầy, cũng từ đây, vì tài chính khó khăn mà nhiều người tìm đến các gói vay tín dụng đen , thủ tục đơn giản để có tiền nhanh chóng.
Do đang cần tiến gấp để lo cho gia đình nên anh T đã rơi vào bẫy vay nóng. Anh cho biết hiện vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị khủng bố qua điện thoại và đối mặt với các hình thức bạo lực. “Họ hàng cho tới người nhà tôi, bên cho vay gọi điện hăm dọa khiến cuộc sống tôi đảo lộn hết lên. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ với gia đình và bạn bè”, anh T nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Th., ngụ tại Đồng Nai – một nạn nhân của “tín dụng đen” cho biết, trong giai đoạn khó khăn về tài chính cuối năm và bản thân bà Th. lại không hiểu biết về “tín dụng đen” nên đã bất chấp vay mượn dẫn đến những ngày tháng trả nợ dài dai dẳng và bị khủng bố khủng khiếp về mặt tinh thần.
“Tôi vay khoảng 10 triệu rồi không biết cách tính toán của tổ chức này như thế nào mà sau 3 tháng lãi và gốc chồng chất lên gần 100 triệu. Mỗi lần trả nợ là khổ, hôm nào mà trả trễ là bị khủng bố liên tục nên phải năn nỉ họ để họ cho mình yên ổn làm việc kiếm tiền chi trả nợ nần. Tới bây giờ vẫn còn chưa trả nợ xong".
Anh Mai Thành Trung (Chuyên gia đào tạo và quản lý gia sản) cho biết: “Vay nóng là vay nhanh với tiền lãi cao, các tổ chức tín dụng đen thường ngụy trang bằng cách hạ lãi thấp nhưng đưa vào phần phí cao. Người đi vay sẽ không biết được cho tới khi họ nhận khoản vay thì mới vô tình nhận được phần phí này. Những tổ chức tín dụng đen thường có tiêu chí hồ sơ rất dễ dàng như không cần chứng minh, không cần hộ khẩu”.
Luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty luật TNHH Lập Phương) cho biết: “Theo điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trong giao dịch dân sự, các bên tự thỏa thuận mức lãi suất, tuy nhiên không vượt quá 20%/năm, tức là 1,67%/tháng. Trong trường hợp mức lãi suất vượt quá mức quy định, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy trường hợp, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên hoặc bị phạt tù, phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm”.
Theo Công an TP HCM, thời gian qua, địa bàn xảy ra 560 vụ lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn như sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo qua mạng internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin thông qua đường link lạ.
Ngoài ra, tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng có tính chất quốc tế cao, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng.
Thượng tá Nguyễn Thăng Long (Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM) đưa ra những khuyến cáo: “Đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin, cập nhật các nội dung tuyên truyền từ các trang chính thống về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Thứ 2 là bảo mật thông tin thì cần phải chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động trên môi trường mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân, các giấy tờ có chứa thông tin cá nhân.
Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ, không rõ nguồn gốc. Thứ 3 là phải xác thực thông tin khi gặp tình huống yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan đến các loại tài khoản hoặc yêu cầu thông tin cá nhân, số điện thoại dùng đăng ký tài khoản, yêu cầu chuyển khoản hoặc thực hiện giao dịch qua điện thoại thì đề nghị người dân hết sức cảnh giác”.
Theo Luật sư, những ai đang thực hiện hành vi quảng cáo và cho vay nặng lãi sẽ phải đối diện với mức xử phạt hành chính và thậm chí là xử lý hình sự tuỳ theo mức độ nghiêm trọng.
“Về xử phạt vi phạm hành chính thì người quảng cáo sẽ bị xử phạt từ 70-100 triệu theo quy định của nghị định 38. Trong trường hợp sử dụng mạng xã hội để quảng cáo thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu theo quy định của nghị định số 15. Đối vối truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi quảng cáo, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định của điều 201 – Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt từ 50 triệu cho đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tuỳ theo giá trị tài sản thu lợi bất chính.”
Những cạm bẫy vay nóng không đơn giản là vấn đề lãi suất mà còn là các biện pháp đòi nợ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý danh dự của người vay. Những tổn thương tâm lý này để lại hậu quả lâu dài.