Bạn dễ phạm phải những sai lầm gì khi trị cảm lạnh?
Cảm lạnh là tình trạng dễ xảy ra vào mùa lạnh và thời tiết thay đổi thất thường. Đôi khi những cách trị bệnh sai lầm có thể khiến cảm lạnh trầm trọng hơn.
Phớt lờ các triệu chứng
Các triệu chứng cảm lạnh phổ biến là ngạt mũi, chảy nước mũi, sưng viêm đau họng, hắt hơi, mệt mỏi ho nhiều, cơn ho chủ yếu về đêm hoặc khi hít phải không khí khô lạnh. Người bị cảm lạnh có thể cảm thấy đau nhức mỏi cơ thể kèm theo đau đầu nhẹ hoặc sốt…
Nhiều người chủ quan cho rằng khi không sốt thì các triệu chứng trên sẽ tự hết nên không nghỉ ngơi đầy đủ. Theo WebMD, ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm khiến nguy cơ cảm lạnh tăng gấp 4 lần so với nhóm ngủ đủ giấc (ít nhất 7 giờ). Nếu bạn bị cảm lạnh nhưng khó ngủ vào ban đêm do ngạt mũi hoặc ho, bạn có thể sử dụng một số thuốc không kê đơn để giảm nhẹ triệu chứng. Ngoài ra, bạn có thể thử đi ngủ sớm hơn hoặc bù giấc ngủ đêm bằng giấc ngủ trưa.
Lạm dụng thuốc kháng sinh trị cảm lạnh
Cảm lạnh thường do virus gây ra nên việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng để điều trị hay rút ngắn thời gian mắc bệnh cảm lạnh. Thuốc kháng sinh chỉ điều trị được các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, như viêm phế quản, viêm họng liên cầu... bằng cách tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Bên cạnh đó, lạm dụng thuốc xịt thông mũi quá 3 ngày sẽ khiến tình trạng ngạt mũi tăng nặng hơn và có thể kèm theo sưng tấy niêm mạc mũi khi ngừng thuốc. Các bác sĩ khuyên bạn chỉ nên sử dụng thuốc điều trị giảm nhẹ triệu chứng không kê đơn. Nếu triệu chứng nặng hơn hoặc bạn cảm thấy không khỏe, hãy đi khám để được tư vấn thuốc điều trị phù hợp.
Không uống đủ nước
Không uống đủ nước trong trạng thái cơ thể bình thường vốn đã không tốt cho sức khỏe. Khi bị cảm lạnh, việc uống nhiều nước ấm sẽ góp phần làm loãng chất nhầy và giảm tắc nghẽn cũng như chống lại đau đầu.
Bạn cũng có thể uống các loại trà ấm như trà thảo được hoặc nước súp nóng như súp gà… để làm dịu họng và giảm kích ứng họng, góp phần giảm nhẹ cơn ho hay đau cổ họng.
Vitamin C ngăn ngừa cảm lạnh
Vitamin C không có khả năng ngăn ngừa cảm lạnh. Có một số bằng chứng cho thấy, việc bổ sung thường xuyên vitamin C có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh đối với một số người. Tuy nhiên, thời gian mắc bệnh và độ nghiêm trọng của bệnh giảm rất ít. Việc bổ sung quá liều lượng vitamin C (hơn 2000mg/ngày) có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa như: đau dạ dày, sỏi thận, tiêu chảy…
Không kiêng caffeine, rượu và chất kích thích
Caffeine và các chất kích thích như khói thuốc lá đều cần tránh khi bị cảm lạnh. Người bị cảm lạnh uống caffeine sẽ càng tăng cảm giác bồn chồn, khó ngủ, khiến thời gian hồi phục lâu hơn. Khói thuốc có thể làm tăng tổn thương phổi, đặc biệt là cơn ho và kích ứng cổ họng đang đau cũng như khiến các triệu chứng cảm lạnh trở nên tồi tệ và nghiêm trọng hơn.
Uống quá nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ mất nước và khiến tình trạng tắc nghẽn nặng hơn. Ngoài ra, rượu góp phần khiến hệ miễn dịch suy giảm và có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực nếu kết hợp với các loại thuốc chữa cảm lạnh mà bạn đang dùng.
Cảm lạnh không lây nhiễm
Mặc dù đi ra ngoài trời lạnh với mái tóc ướt hoặc quần áo không đủ ấm có thể khiến cơ thể cảm thấy lạnh nhưng điều này không phải là nguyên nhân gây cảm lạnh. Cảm lạnh do virus gây ra, đặc biệt là rhinovirus gây nên ở đường hô hấp trên, nhưng chủ yếu ảnh hưởng ở mũi, một số ở họng và có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua không khí, tiếp xúc gần, bề mặt các đồ vật…
Khi hít phải không khí có dịch tiết chứa virus, hoặc sau khi bắt tay người bệnh, sờ vào mồ hôi trên cơ thể người bệnh thì sẽ có nguy cơ bị bệnh. Nguy cơ này xảy ra ngay cả khi người bệnh mới chỉ đang ở thời điểm ủ bệnh, chưa có hoặc chưa có nhiều triệu chứng của cảm lạnh. Vì vậy, trong một số trường hợp, người bị lây bệnh lại có biểu hiện bệnh trước cả người nhiễm bệnh đầu tiên.
Để tránh lây nhiễm ra xung quanh, bạn cần phải che miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên… ngay cả khi bạn đã đi làm hoặc đi học trở lại nhưng vẫn còn triệu chứng về hô hấp.