Ngừng ăn đường giúp ích gì cho sức khỏe của bạn?
Ăn nhiều đồ ngọt đã được chứng minh là không tốt cho sức khỏe bởi hệ lụy của nó là làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa.
TS. Ekta Singhwal - Chuyên gia dinh dưỡng, Nhóm bệnh viện Ujala Cygnus, Uttar Pradesh (Ấn Độ) chia sẻ với Healthshots rằng, đường cung cấp calo nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Ăn các thực phẩm này có thể dẫn đến hấp thụ quá nhiều đường, thiếu vitamin và khoáng chất quan trọng.
Việc cắt giảm đường trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể tạo nên thay đổi đáng kể về sức khỏe tổng thể của bạn. Sau đây là những lợi ích từ việc không ăn đường trong 1 tháng và cách để bạn loại bỏ đường trong bữa ăn.
Không ăn đường trong 1 tháng có lợi ích gì?
Theo TS. Ekta Singhwal, không ăn đường mang lại những lợi ích sau:
Giảm cân
Giảm lượng đường hoặc không ăn đường trong 1 tháng sẽ giúp bạn giảm cân vì nó loại bỏ lượng calo rỗng và giảm khả năng ăn quá nhiều.
Cải thiện lượng đường trong máu
Không ăn đường trong 1 tháng giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm nguy cơ kháng insulin và tiểu đường type 2.
Tăng cường năng lượng
Nếu lượng đường trong máu không tăng vọt và giảm đột ngột, mức năng lượng có xu hướng trở nên ổn định hơn suốt cả ngày.
Đường ruột khỏe hơn
Lượng đường cao có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, cho nên giảm đường có thể giúp thúc đẩy môi trường đường ruột khỏe mạnh hơn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính
Việc giảm lượng đường có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như bệnh tim.
Bảo vệ sức khỏe răng miệng
Không ăn đường giúp cải thiện sức khỏe răng miệng, giảm nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng.
Cải thiện sức khỏe da
Lượng đường cao có liên quan đến mụn trứng cá và các vấn đề về da khác. Do đó, bạn sẽ nhận thấy làn da được cải thiện khi không ăn đường.
Cải thiện tinh thần
Lượng đường trong máu ổn định có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, làm giảm sự thay đổi tâm trạng và giúp tinh thần minh mẫn hơn.
Cách loại bỏ đường trong bữa ăn
Kiểm tra bao bì thực phẩm
Kiểm tra nhãn thực phẩm và tránh các sản phẩm có ghi "đường bổ sung".
Chọn thực phẩm nguyên chất
Luôn ưu tiên thực phẩm nguyên hạt và chưa qua chế biến như rau, trái cây, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
Không sử dụng đồ uống có đường
Cắt bỏ đồ uống có đường như soda, nước ép trái cây, trà hoặc cà phê có đường. Thay vào đó, hãy chọn nước lọc, trà thảo mộc hoặc cà phê nguyên chất.
Nấu ăn tại nhà
Tự tay chuẩn bị bữa ăn ở nhà để có thể kiểm soát các thành phần và có thể tránh được lượng đường ẩn.
Ăn trái cây tươi, tránh nước ép và trái cây sấy
Một số loại trái cây như xoài, dứa và dâu tây… khá ngọt và chứa khá nhiều đường. Tuy nhiên, bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn trái cây khỏi chế độ ăn vì lượng đường trong trái cây là đường tự nhiên, cung cấp chất dinh dưỡng, chất xơ và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Hàm lượng chất xơ trong trái cây giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, làm giảm tác động lên lượng đường trong máu. Nước ép trái cây loại bỏ đi chất xơ và trái cây sấy khiến lượng đường đậm đặc hơn, vì thế không nên sử dụng.
Ăn nhẹ lành mạnh
Chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn như các loại hạt, sữa chua không đường, trái cây tươi… thay vì đồ ăn nhẹ có đường.