WHO cảnh báo về số ca mắc đậu mùa khỉ liên tục gia tăng trên toàn cầu
Số ca mắc đậu mùa khỉ liên tục tăng trên toàn thế giới, chủ yếu liên quan đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và những người có nhiều bạn tình.
Trong thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về bệnh đậu mùa khỉ, từ tháng 1/2022 đến hết tháng 10/2023, đã có tổng cộng 91.788 ca nhiễm và 167 ca tử vong tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng vào năm 2022 ở châu Âu và Mỹ đã khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây cũng là mức báo động cao nhất mà tổ chức này đưa ra vào tháng 7/2022. WHO đã dỡ bỏ tình trạng này vào tháng 5 năm nay nhưng khuyến cáo người dân nên cảnh giác.
Cũng theo báo cáo, trong tháng 10/2023, có 29 quốc gia báo cáo tổng cộng 668 ca đậu mùa khỉ mới, đều đã được xác nhận bằng xét nghiệm. Khu vực dịch tễ có số ca mắc cao nhất là Tây Thái Bình Dương với 201 ca nhưng chỉ 1 ca tử vong xảy ra ở người suy giảm miễn dịch nặng. Khu vực dịch tễ châu Âu có 164 ca, Đông Nam Á và châu Mỹ 146 ca, Đông Địa Trung Hải chỉ báo cáo 3 ca.
Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, toàn bộ 5 khu vực dịch tễ trừ châu Phi có 89.807 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 145 ca tử vong. Các khu vực này chủ yếu lưu hành MPXV nhánh IIa và IIb độc lực thấp, thường lây truyền qua hoạt động tình dục không an toàn. Tại châu Phi, dịch đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh tại Congo. Từ đầu năm 2023 đến ngày 12/11/2023, Congo ghi nhận 12.569 ca mắc, bao gồm 581 ca tử vong. Đây là số ca mắc hằng năm cao nhất từng được báo cáo, trải rộng trên 22 tỉnh của Congo, bao gồm các khu vực trước đây không báo cáo về bệnh này như Kinshasa, Lualaba và Nam Kivu.
Lần đầu tiên việc lây truyền MPXV (virus gây bệnh đậu mùa khỉ) nhánh 1 được ghi nhận, gồm nhiều trường hợp liên quan đường tình dục. MPXV nhánh I là dòng đặc trưng ở Congo, có khả năng gây bệnh nặng và tử vong cao, chủ yếu lây từ động vật sang người. WHO chưa hiểu rõ về động lực lây truyền MPXV nhánh I ở Congo, đồng thời lo ngại về một biến thể MPXV mới.
Tại Việt Nam, số ca mắc đậu mùa khỉ vẫn đang gia tăng, ập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho thấy, từ 22/9 đến 19/11/2023, TP.HCM có 91 trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, 82 trường hợp đã có kết quả dương tính (90,1%). Trong đó, 74 trường hợp lưu trú tại TP.HCM và 8 trường hợp lưu trú tại tỉnh.
Có 2 ca tử vong đều là bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng. 100% ca bệnh là nam giới, 76% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong số các trường hợp đã biết về tình trạng nhiễm HIV có 73% ca bệnh dương tính với HIV (67/74). Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 - 39 tuổi (53%).
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B ở Việt Nam. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng trong 5 ngày. Sau đó, người bệnh xuất hiện các nốt phát ban trên mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, tiếp đến là các tổn thương đau đớn, các vết đốm và cuối cùng là bong vảy. Bệnh nhân thường tự khỏi sau từ 2 - 4 tuần. Bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu.
Theo WHO, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu chủ yếu liên quan đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và những người có nhiều bạn tình. Bệnh cũng có thể lây qua ăn uống, qua dịch tiết các nốt mụn của người bệnh khi mưng mủ, vỡ ra lây lan dịch tiết ra xung quanh, quần áo, chăn màn, vật dụng... và dễ lây cho người sống gần gũi như người trong gia đình.
- Mỹ khuyên người trên 18 tuổi tiêm định kỳ vaccine đậu mùa khỉ
- Chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trong tình hình số ca mắc tiếp tục tăng
- Nguyên nhân đáng sợ khiến nam giới giảm khả năng sinh sản trong 50 năm qua
- Chuyên gia gợi ý 10 loại rau củ quả giàu vitamin C trong mùa đông
- Mùa đông nên gội đầu bao nhiêu lần mỗi tuần?
- Tập thể dục đứng thứ mấy trong thói quen của người sống thọ?
- 5 thói quen khiến dân văn phòng bị béo bụng
- Một dịch bệnh hô hấp mới tăng nhanh ở Trung Quốc, Bộ Y tế đề nghị WHO cung cấp thông tin