WHO cảnh báo dịch sởi tiếp tục “đáng lo ngại” trong năm mới
Trong năm 2023, số ca mắc bệnh sởi tăng đến 79% so với năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh sởi, với hơn 306.000 ca mắc được ghi nhận trên toàn thế giới trong năm 2023, tăng 79% so với năm 2022.
AFP dẫn lời bà Natasha Crowcroft - Cố vấn kỹ thuật của WHO về bệnh sởi và rubella cho biết, tình hình bệnh sởi “vô cùng đáng lo ngại”. Trên thực tế, các ca mắc bệnh sởi thường không được báo cáo đầy đủ và con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.
Để có được số liệu chính xác hơn, WHO đã lập mô hình các con số mỗi năm, và ước tính mới nhất cho thấy có 9,2 triệu ca mắc và 136.216 ca tử vong do bệnh sởi trong năm 2022, tăng 43% so với năm 2021. Mô hình như vậy vẫn chưa được thực hiện trong năm 2023.
Thời điểm này chưa có số thống kê ca tử vong vì sởi trong năm 2023, tuy nhiên theo bà Crowcroft thì với tình trạng mắc sởi gia tăng thế này khả năng số ca tử vong trong năm 2023 cũng tăng.
Bà Crowcroft cũng cảnh báo “năm 2024 là năm đầy thách thức”. Hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu hiện được cho là có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi vào cuối năm nay. Và ước tính khoảng 142 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc tăng vọt là do “tỷ lệ tiêm chủng giảm”. Ít nhất 95% trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, nhưng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đã giảm xuống còn 83%. Số liệu cho thấy, 92% trẻ em tử vong vì bệnh sởi sống chủ yếu ở các nước có thu nhập rất thấp.
Cách phòng tránh bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, chủ yếu tấn công trẻ em. Các biến chứng nghiêm trọng nhất là mù lòa, sưng não, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp nặng.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, cần lưu ý những điều sau:
- Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.
- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày.
- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam…