Thứ năm, 28/09/2023, 10:13 (GMT+7)

Việt Nam tăng 14 bậc về chất lượng cuộc sống số

Tăng 14 bậc khiến Việt Nam đứng thứ 56 trên 121 quốc gia trên thế giới về chất lượng cuộc sống số năm 2023.

chat luong cuoc song so Tiepthigiadinh H1
Việt Nam xếp thứ 56 về Chất lượng Cuộc sống số

Theo Báo cáo Chỉ số Chất lượng Cuộc sống Số (Digital Quality of Life Index - DQL) thường niên lần thứ 5 của Công ty An ninh mạng Surfshark, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 56 trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2022.

Chỉ số chất lượng cuộc sống số là nghiên cứu thường niên xếp hạng 121 quốc gia theo phúc lợi kỹ thuật số dựa trên 5 trụ cột cốt lõi: chất lượng internet, chính phủ điện tử, cơ sở hạ tầng viễn thông, khả năng chi trả cho internet và an ninh mạng.

Pháp đứng đầu về Chỉ số chất lượng cuộc sống cố năm 2023, cùng với 9 quốc gia châu Âu lọt vào top 10, bao gồm Phần Lan, Đan Mạch và Đức. Singapore là quốc gia châu Á duy nhất lọt top 10.

Trong 5 trụ cột của chỉ số, Việt Nam đạt thành tích tốt nhất về khả năng chi trả cho internet, đứng ở vị trí thứ 16. Chúng ta đứng thứ 30 về chất lượng internet, xếp hạng 57 về cơ sở hạ tầng viễn thông và hạng 63 về chính phủ điện tử. Thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt là an ninh mạng khi chỉ xếp thứ 94, tụt 10 bậc so với năm 2022.

chat luong cuoc song so Tiepthigiadinh H2
Việt Nam đứng thứ 15 tại châu Á về chỉ số tổng thể

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Thái Lan nhưng vượt qua Campuchia về chỉ số tổng thể. Ở châu Á, Sigapore dẫn đầu khu vực và Việt Nam đứng thứ 15.

Chất lượng internet của Việt Nam cao hơn 18% so với mức trung bình toàn cầu. Tốc độ mạng cố định tại Việt Nam đạt tốc độ trung bình 115 Mbps và mạng di động trung bình đạt 55 Mbps. Singapore là nước có tốc độ mạng cố định nhanh nhất thế giới là 300 Mbps. Trong khi đó, chậm nhất thế giới là Yemen với 11 Mbps.

Internet ở Việt Nam có giá cả “phải chăng” so với các nước khác. Người Việt làm việc 2 giờ 45 phút/tháng là đã đủ khả năng chi trả cho chi phí kết nối băng thông rộng cố định. Mặc dù con số này thấp hơn mức trung bình nhưng lại cao gấp 9 lần so với ở Rumani, nơi có giá cước mạng cố định rẻ nhất thế giới. Người Rumani chỉ phải làm việc 18 phút/tháng là đã đủ chi phí này.

Người Việt phải làm việc 25 phút 32 giây/tháng để có đủ tiền chi trả cho chi phí mạng di động. Con số này cao gấp 2 lần so với ở Luxembourg, nơi có mạng di động giá rẻ nhất thế giới. Người dân ở đây chỉ phải làm việc 16 phút/tháng là đã đủ tiền chi trả chi phí mạng di động.

Cùng chuyên mục