Vì sao TikTok Shop bị cấm ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á?
TikTok Shop mới đây đã dừng hoạt động ở Indonesia để tuân thủ các quy định mới liên quan đến TMĐT trên mạng xã hội của quốc gia này.
TikTok đã dừng hoạt động tính năng mua sắm Shop ở Indonesia, thị trường lớn thứ 2 của ứng dụng này. Động thái này được thực hiện chỉ vài ngày sau khi chính phủ Indonesia cho TikTok một tuần để dừng các giao dịch mua sắm trực tuyến hoặc sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm, theo Rest of World.
Quyết định của chính phủ Indonesia hướng đến việc cấm hoạt động bán hàng trực tiếp qua các ứng dụng như TikTok, Facebook và Instagram vì họ cho rằng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh truyền thống. “TMĐT không thể trở thành mạng xã hội. Nó là 2 vấn đề tách biệt”, Zulkifli Hasan, bộ trường thương mại Indonesia, nói hôm 27/9. “Nền tảng mạng xã hội chỉ có thể thúc đẩy việc quảng bá hàng hóa, dịch vụ. Họ không nên cung cấp các giao dịch thanh toán trên nền tảng. Do đó, không nên có việc bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội”.
Chính phủ hy vọng động thái này sẽ đưa khách hàng trở lại các cửa hàng truyền thống mà việc kinh doanh bị ảnh hưởng vì TMĐT trên mạng xã hội. Dù vậy, các chuyên gia và chủ cửa hàng địa phương nói với Rest of World rằng chính sách này thực tế có thể gây phương hại đến hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ tại quốc gia này.
Ruby Devy, chủ một cửa hàng quần áo ở chợ may mặc Tanah Abang, nói rằng 80% khách hàng của cô là các nhà bán lẻ trực tuyến và bán hàng thông qua livestream trên TikTok Shop và Shopee Live. “Tôi hỏi họ họ sẽ làm gì tiếp theo. Một số người nói rằng họ sẽ phải chuyển sang một sàn TMĐT khác”, Devy nói. “Chính phủ phải đem lại cho các nhà bán hàng một giải pháp khác. Bán hàng qua tin nhắn trực tuyến hoặc kiểu như vậy”.
Khoảng 64% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Indonesia bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội, theo Nailul Hida, một nhà nghiên cứu chính sách công ở Viện Phát triển kinh tế và tài chính (UNDEF), nói. Chỉ 25% các nhà bán hàng nhỏ dùng website TMĐT.
“Hãy để họ bán hàng qua tin nhắn trực tiếp. Chỉ cần cấm TikTok Shop hoặc các sàn TMĐT xã hội hoạt động như một sàn TMĐT bằng các hình thức khuyến mại như hoàn tiện và giao hàng”, Huda nói với Rest of World.
Ở Indonesia hiện có hơn 7 triệu nhà bán hàng và 7 triệu nhà sáng tạo nội dung liên kết trên TikTok, theo TikTok. Nhiều trong số này đã bày tỏ quan ngại về lệnh cấm bằng cách chia sẻ hashtag #KamiUMKMdiTikTok (tạm dịch: Chúng tôi là các doanh nghiệp siêu nhỏ trên TikTok”. Koh Cun, một nhà sáng tạo nội dung liên kết với 1,4 triệu người theo dõi, chia sẻ về việc bán hàng qua TikTok đã giúp anh có thể chuyển từ một thành phố nhỏ tới Jakarta. “Con cái của tôi có cơ hội học tập tốt hơn nhờ TikTok Shop”, anh chia sẻ.
Indonesia, quốc gia đông dân lớn thứ 4 thế giới, là thị trường TMTĐ qua livestream lớn nhất Đông Nam Á, theo Cube Asia. Trong năm 2022, mua sắm livestream ở Indonesia ghi nhận giá trị doanh số hơn 5 tỷ USD với 55% người dùng internet ở đây mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, WhatsApp, Line, và Zalo. Trung bình mỗi người Indonesia chi tiêu 100 USD trên mạng xã hội mỗi năm.
“Các nền tảng của Meta như Facebook và Instagram từng là nền tảng livestream lớn nhất nhưng TikTok nhanh chóng có được thị phần lớn ở thị trường này, đặc biệt là ở Indonesia”, Cube Asia nhận định.
TikTok có khoảng 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia. Chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2021, TikTok Shop ghi nhận doanh số bán hàng 2,5 tỷ USD ở quốc gia này, theo Momentum Works. Doanh số bán hàng qua livestream trên TikTok chiếm khoảng 5% tổng doanh số TMĐT ở Indonesia.
Dù vậy, TikTok Shop không tuân thủ theo các quy định pháp luật của Indonesia, theo Huda. Ví dụ, ứng dụng này không có giấy phép chứng thức cho hoạt động kinh doanh TMĐT. Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng trên TikTok cũng bỏ qua nhiều quy định về thuế địa phương. Đây là lý do vì sao các nhà bán hàng có thể chiết khẩu nhiều hơn và thu hút nhiều khách hàng hơn.
“Ở TMĐT trên mạng xã hội, không có thuế giá trị gia tăng, các nhà bán hàng không phải xin giấy phép kinh doanh. Điều này khiến các nhà bán hàng có thể bán sản phẩm ở mức giá rất thấp”, Huda nói. “Điều này không giống với các nhà bán hàng TMĐT truyền thống hoặc các cửa hàng vật lý. Họ cần nhiều giấy phép mới được bán hàng”, ông nhấn mạnh.
Chủ cửa hàng thời trang tại chợ Tanah Abang khẳng định việc bán hàng của cô đang đi xuống trong năm nay vì “mọi người bán đồ rất rẻ trên TikTok Shop”. Cô nói thêm rằng bản thân cũng bán hàng trên TikTok Shop nhưng khách hàng thường tìm đến những người bán giá rẻ hơn. “Họ dùng các loại vải khác nhau và chất lượng khác nhau. Nhưng tôi nghĩ khách hàng không quan tâm đến chất lượng. Họ chỉ quan tâm đến giá”, cô nói. Ví dụ, một cặp kinh trên TikTok Shop có thể có giá chưa đến 1 USD trong khi đó chúng thường có giá hơn 10 USD ở các sàn TMĐT khác.
INDEF nói đang trao đổi với chính phủ Indonesia để quản lý hoạt động bán hàng trên các nền tảng như TikTok để họ vận hành kinh doanh tương tự các nhà bán hàng truyền thống. “Các nhà bán hàng trực tuyến cũng phải xin giấy phép hàng nhập khẩu, họ cần trả thuế và có mã số thuế”, Huda chia sẻ.