Truyền thông Hồng Kông 'lăng xê' Sa Pa: Thiên đường nghỉ dưỡng mới với cáp treo và khách sạn như phim điện ảnh
Sa Pa, với vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa đa dạng, từ lâu đã là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Mới đây, nhật báo South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông (Trung Quốc) đã có những bài viết ca ngợi hết lời về mảnh đất Tây Bắc này, khơi gợi sự tò mò của du khách quốc tế.
Tờ South China Morning Post viết Sa Pa là một điểm đến gần gũi và đầy hấp dẫn đối với du khách Hồng Kông. Với những cánh đồng lúa bậc thang tuyệt đẹp, văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số và đỉnh núi Fansipan hùng vĩ, Sa Pa mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, Sa Pa từng là một nơi khó tiếp cận đối với hầu hết mọi người, ngoại trừ các dân tộc thiểu số sinh sống và canh tác trên những thửa ruộng bậc thang trên sườn núi.
“Phát kiến" ngành du lịch
Năm 1901, khi người Pháp tình cờ phát hiện ra nơi yên bình này trong quá trình khảo sát đất đai, Sa Pa bắt đầu thay đổi. Bị mê hoặc bởi những cánh đồng lúa bậc thang, những ngọn núi cao và khí hậu mát mẻ hơn so với vùng đồng bằng sông Hồng, người Pháp đã bắt đầu phát triển Sa Pa thành một nơi nghỉ dưỡng mùa hè. Năm 1905, tuyến tàu hỏa Hà Nội và Lào Cai bắt đầu đi vào hoạt động, giao thông thuận lợi khiến lượng du khách đổ về Sa Pa ngày càng đông. Sau ngày Thống nhất đất nước năm 1975, người Việt sống ở thành phố lớn bắt đầu đến thăm Sa Pa nhiều hơn, và danh tiếng của thị trấn mù sương trên núi cao này dần những du khách quốc tế thích khám phá biết đến.
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai năm 2014 đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển mạnh mẽ của Sa Pa. Ngày nay, Sa Pa là một điểm đến sôi động với nhiều nhà nghỉ, khách sạn và cơ sở kinh doanh phục vụ nhu cầu của du khách cả trong nước và quốc tế.
Vừa giữ gìn bản sắc, vừa đón đầu xu hướng
Theo SCMP, dù có một số khu vực bị khai thác và thương mại hoá, nhưng các bản làng như Lao Chải và Tả Phìn vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của hàng trăm năm trước.
Trao đổi với chị Chu, một hướng dẫn viên 28 tuổi người dân tộc H'Mông đen, ngôn ngữ và phong tục của người dân bản địa vẫn được giữ nguyên. Người H’mong đen gìn giữ trang phục truyền thống của họ – màu tối và được trang trí bằng những đường thêu vô cùng đẹp mắt và khác biệt.
Tờ báo hàng đầu của Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định thêm, sự ra đời của Internet và điện thoại, thiết bị thông minh đã giúp cho đời sống của người dân Sa Pa thay đổi tốt hơn nhiều. Với những thiết bị công nghệ tân tiến này, người bản địa có thể điều hành homestay và làm hướng dẫn viên trekking cho các du khách đến thăm quan.
Kiệt tác giữa vùng trời Tây Bắc
Ngày nay, Sa Pa không chỉ thu hút các du khách ba lô, mà còn là điểm đến nghỉ dưỡng yêu thích của những du khách hạng sang, giới nhà giàu và người nổi tiếng. Mang “làn gió mới" của du lịch Sa Pa chính là khách sạn 5 sao Hotel de la Coupole - MGallery do kiến trúc sư tài hoa Bill Bensley thiết kế. Khách sạn khai trương vào năm 2019, khách sạn này được vận hành bởi Accor, thương hiệu khách sạn lớn nhất châu Âu.
Với kiến trúc đậm chất châu Âu và vị trí đắc địa nằm chính giữa trung tâm thị trấn Sa Pa, khách sạn này luôn thu hút mọi ánh nhìn. Nhưng có lẽ, điều làm cho Hotel de la Coupole thực sự đặc biệt là những chi tiết tôn vinh văn hóa và câu chuyện địa phương.
SCMP nhận định Hotel de la Coupole là sự kết hợp hài hòa và độc đáo giữa kiến trúc hiện đại và nét đẹp văn hoá bản địa. Từ những chi tiết nhỏ nhất, những chiếc đèn chụp được lấy cảm hứng từ mũ của người H'mông, những bức tường trưng bày thổ cẩm rực rỡ... đã biến khách sạn trở thành một bảo tàng thu nhỏ, và là điểm đến “check-in” không thể bỏ qua tại Sa Pa.
Từ Hotel de la Coupole, du khách có thể vừa thưởng thức bữa sáng hoặc trà chiều, vừa tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp của những thửa ruộng bậc thang và đỉnh núi Fansipan. Một trải nghiệm độc nhất mà SCMP miêu tả là “đắm chìm vào cảnh sắc”.
Những trải nghiệm có “1-0-2”
Theo phóng viên Erika Na của SCMP, đối với những du khách đam mê thử thách, chinh phục đỉnh Fansipan là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ.
Nếu như trước đây, để lên được đỉnh núi cao 3.143 mét này, du khách phải leo bộ trong vài ngày, thì từ năm 2016, cáp treo đã được xây dựng, rút ngắn thời gian chinh phục “nóc nhà Đông Dương” chỉ còn 20 phút. Từ cáp treo có thể ngắm nhìn toàn cảnh những thửa ruộng bậc thang, được tạo ra nhờ quá trình canh tác của người dân nhưng đẹp một cách đáng kinh ngạc.
Theo tờ nhật báo, khi đặt chân đến Fansipan, du khách sẽ không thể không bị ấn tượng bởi bức tượng Phật cao 21,5 mét, được chế tác từ hàng chục nghìn tấm đồng mỏng. Đây chính là bức tượng Phật ngồi bằng đồng cao nhất thế giới.
Cây bút sành sỏi của SCMP ấn tượng mạnh trước cảnh sắc và sự hùng vĩ của đỉnh núi Fansipan: “Sương mù và mây che khuất tầm nhìn - có khi bạn thấy bức tượng Phật, nhưng chỉ một khoảnh khắc sau đó, nó lại biến mất. Tính vô thường là một khía cạnh quan trọng trong giáo lý của Phật, và cảm giác này rất rõ ràng tại đỉnh núi thiêng này.”
Bên cạnh Fansipan - nóc nhà của Đông Dương, quảng trường Sa Pa cũng là một điểm dừng chân náo nhiệt, thu hút các du khách tham gia trải nghiệm. SCMP phỏng vấn nhiều người bản địa và nhận thấy rằng, thay vì sử dụng ứng dụng hẹn hò như tại các thành phố lớn, các chàng trai, cô gái sẽ tụ tập tại một quảng trường vào mỗi tối thứ bảy để tham gia "chợ tình" và tìm kiếm nửa kia của mình thông qua các màn trình diễn âm nhạc và trò chơi dân gian.
Hành trình từ vùng cao nguyên hoang sơ tới điểm đến khu du lịch tiềm năng
Hơn 1 thế kỷ qua, Sa Pa đã chuyển mình từ một vùng cao nguyên từng khó tiếp cận trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Đến với Sa Pa, các du khách mong muốn hòa mình vào một lối sống truyền thống hơn và đặt chân lên nóc nhà của Đông Dương. Trong suốt quá trình này, nhiều thứ đã thay đổi, nhưng nhiều giá trị vẫn còn được giữ nguyên.
Câu chuyện về một vùng đất đang đổi thay khiến cho du khách quốc tế cảm thấy vô cùng thích thú, và tự hỏi rằng thị trấn sương mù này sẽ thay đổi ra sao trong chuyến du hành tiếp theo của họ tới mảnh đất này.