Tiền trong tài khoản “bốc hơi” vì cài app dịch vụ công giả mạo: Nhận diện “bẫy” để tránh bị lừa đảo
Đối tượng giả danh cán bộ Công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng chứa mã độc giả mạo ứng dụng “Dịch vụ công” để được cấp 12 điểm khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ mới nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại và tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo mới cài đặt App “Dịch vụ công” nhận điểm giao thông
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới về cài đặt dịch vụ công để nhận điểm giao thông.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 5/1/2025, chị L.T.L, ở xã Xuân Dương (huyện Thường Xuân) được một người phụ nữ gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng kỹ thuật gọi điện hướng dẫn cài đặt để tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Sau khi người phụ nữ tắt máy, khoảng 15 phút sau có số điện thoại 0818050180 gọi đến cho chị L để giới thiệu cài đặt dịch vụ công thực hiện luật giao thông mới. Mặc dù chị L cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng đối tượng trấn an chị L nếu lừa đảo đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin nhưng đối tượng chỉ hướng dẫn cài đặt dịch vụ và yêu cầu chị L kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn cài đặt dịch vụ.
![iem gplx](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhhaukhds@gmail.com/2025/02/09/67a8d6335912f.jpg)
Tin lời đối tượng, chị L đã cài đặt dịch vụ, các đối tượng đã yêu cầu chị nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng mặt trước, mặt sau. Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, tài khoản ngân hàng của chị L đã bị trừ mất số tiền hơn 7,9 triệu đồng.
Từ sự việc trên, để nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội.
Bên cạnh đó, điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 đối với người có giấy phép lái xe, do vậy, cơ quan Công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, việc cài đặt định danh mức 2 sẽ được tiến hành trực tiếp tại Công an xã, phường nơi công dân cư trú, cơ quan Công an không tiến hành tích hợp qua điện thoại, hoặc qua mạng xã hội.
Người dân tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất kỳ hình thức nào
Trong một diễn biến khác, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao giả danh các cơ quan tổ chức, truy cập được vào tài khoản người dân để chiếm đoạt tài sản, thậm chí giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, trước tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với loại tội phạm này.
Ngay trước và trong Tết, nhiều vụ án nghiêm trọng về tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản được lực lượng Công an triệt phá, được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao. Điển hình, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ các cơ quan Nhà nước gọi điện thoại hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan dịch vụ công trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 13.000 người dân trên cả nước, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng; Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá đường dây lừa đảo quốc tế thông qua các app đầu tư, app tình yêu với số tiền chiếm đoạt lên đến 1.800 tỷ đồng của khoảng 800 nạn nhân chỉ trong khoảng 5 tháng.
Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, trong năm 2025 lực lượng Công an nhân dân sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; tăng cường ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác để hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo...
Đồng thời, ban hành các phương án, mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng. Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, xây dựng cơ chế phối hợp nhanh “khẩn cấp” truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Ngoài ra, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng, Bộ Công an đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm; thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại...
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng khuyến cáo, hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia chỉ cung cấp duy nhất thông qua tên miền https://dichvucong.gov.vn/. Các dịch vụ công trực tuyến khác cung cấp thông qua tên miền có đuôi: “.gov.vn”. Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay chưa phát triển ứng dụng (app) riêng cho điện thoại. Các đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia lên điện thoại là lừa đảo. Người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng.
Cùng với đó, người dân không cài đặt các ứng dụng từ nguồn không chính thống, chưa được xác minh trên các trang web, kho ứng dụng không chính hãng, từ các đường link lạ. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua các kho ứng dụng Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển). Không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị.
Cơ quan Công an cảnh báo, trường hợp người thân không may bị “mắc bẫy” đối tượng, thực hiện cài đặt ứng dụng giả mạo, đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại (màn hình bị tối đen, bị hại không thao tác được trên màn hình, không tắt nguồn được) thì ngay lập tức liên hệ đường dây nóng ngân hàng để khóa tài khoản. Đồng thời thực hiện ngay việc đổi mật khẩu của tài khoản ngân hàng (internet banking). Sau đó fomat lại điện thoại (về trạng thái ban đầu của nhà sản xuất) để xóa ứng dụng giả mạo chứa mã độc. Khi phát hiện các website, ứng dụng giả mạo cần thông báo ngay với Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.
- Hướng dẫn đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến
- Đề xuất cấm quảng cáo dịch vụ công chứng, Phó Thủ tướng nói gì?
- Hà Nội miễn phí thực hiện 82 dịch vụ công trực tuyến
-
Xuất hiện hình thức lừa đảo mới, người dân cẩn trọng với thủ đoạn “ứng trước tiền lương”
-
Phớt lờ cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Tâm Đường vẫn tái diễn vi phạm quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội
-
Sản phẩm Cao Vị Hen quảng cáo “đánh tiệt nọc hen suyễn, viêm phế quản”, dấu hiệu thổi phồng công dụng, doanh nghiệp công bố sản phẩm nói gì?