Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 16/07/2023, 19:43 (GMT+7)

Tham vọng xây siêu ứng dụng của 'cha đẻ' TikTok

ByteDance, công ty đứng đằng sau TikTok, đặt mục tiêu xây dựng nền tảng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, đặt vé du lịch và mọi thứ khác người dùng muốn.

Là chủ một nhà hàng trung tuổi không thích xem các video đang lan truyền trên internet hoặc tự mình quay video, Zhou Meiying chưa từng có lý do để dùng nhiều Douyin, ứng dụng video ngắn phổ biến tại Trung Quốc. Điều này thay đổi vào năm ngoái khi chính phủ Trung Quốc đóng cửa các nhà hàng tại Bắc Kinh để phòng chống dịch COVID-19.

Zhou, 44 tuổi, bắt đầu thực hiện livestream việc mình chuẩn bị các món ăn kèm theo đường link để người xem có thể đặt đồ ăn. Đến nay, cô có hàng trăm đơn hàng mỗi ngày qua ứng dụng. “Nếu không có Douyin, tôi thậm chí không đủ tiền trả lương”, Zhou nói.

Công thức trên là một phát hiện lớn đối với Zhou đồng thời là một phát triển quan trọng đối với ByteDance, công ty đang sở hữu các ứng dụng video ngắn Douyin và TikTok (cho thị trường bên ngoài Trung Quốc). ByteDance vốn tập trung phần lớn hoạt động của mình vào mạng xã hội với phần lớn trong số 80 tỷ USD doanh thu năm đến từ quảng cáo. Năm ngoái, ByteDance bắt đầu cung cấp các dịch vụ giao đồ ăn và đồ tươi sống ở một số thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh. Khi Douyin hiển thị một video về món ăn nào đó, nó sẽ hiển thị kèm theo một đường link đặt đồ ăn hoặc một voucher mà người dùng có thể sử dụng trực tiếp tại cửa hàng. Người dùng cũng có thể tìm các rạp chiếu phim, quán bar và các cửa hiệu làm tốc trong ứng dụng.

tt1
Zhou livestream nhà hàng của mình trên Douyin, phiên bản TikTok đối với người dùng Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Mô hình siêu ứng dụng vốn rất phổ biến ở Trung Quốc nhờ các ứng dụng như WeChat, ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ như nhắn tin, mạng xã hội, thanh toán và nhiều dịch vụ khác. WeChat hiện gần như không có đối thủ nào có thể cung cấp được nhiều dịch vụ như vậy. Dù vậy, với thành công của Douyin ở thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn, ByteDance hoàn toàn có cơ sở làm được điều này.

ByteDance đã dành nhiều năm để xây dựng nền móng cho tham vọng siêu ứng dụng của mình. Lúc này, ByteDance đã mở rộng sang mảng trò chơi và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ByteDance cũng tăng tập trung cho các dịch vụ như đặt đồ ăn, đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn. Năm ngoái, 700 triệu người dùng của Douyin đã tăng chi cho các dịch vụ theo như cầu gấp 7 lần, theo tuyên bố của chính ByteDance. GuoSeng Securities Co ước tính Douyin có thể sẽ hỗ trợ tổng giá trị các dịch vụ theo yêu cầu lên tới mốc 300 tỷ nhân dân tệ (24,1 tỷ USD), từ đó thu về hơn 17 tỷ nhân dân tệ doanh thu từ phí.

Nếu thành công, ByteDance sẽ trở thành một đối thủ đáng chú ý hơn của các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, hay Tencent. “Douyin như một công viên giải trí có dịch vụ phù hợp với tất cả mọi người”, Dave Xie, lãnh đạo tại công ty tư vấn Oliver Wyman, nói. “Khi bạn cảm thấy mệt với những trò chơi, bạn sẽ muốn mua sắm hoặc ăn uống. Điều này tất cả đều liên quan đến chiếm lấy thời gian của bạn”. Nó còn có thể giúp ByteDance đưa mô hình siêu ứng dụng đến các thị trường khác thông qua TikTok.

a
Một số siêu ứng dụng Châu Á. (Đồ hoạ: Thái Sơn)

ByteDance nhìn nhận thuật toán gợi ý là lợi thế chính của mình. Trên Douyin và TikTok, hệ thống này có nhiệm vụ hiển thị các nội dung hấp dẫn đối với từng cá nhân để duy trì mức độ sử dụng của người dùng. Vì thế, nó hoàn toàn có thể được áp dụng trong việc gợi ý các sản phẩm và dịch vụ mà người dùng muốn mua.

“Cuộc chơi” siêu ứng dụng của Douyin bắt đầu vào năm 2020 trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19 khi nó chính thức đưa vào hoạt động tính năng mua trong ứng dụng. ByteDance đã bán được khoảng 26 tỷ USD giá trị hàng hoá trong năm đầu triển khai TMĐT, tương đương mốc doanh số mà Alibaba cần tới 6 năm để đạt được. TikTok hiện cũng đang có kế hoạch áp dụng mô hình này đối với 150 triệu người dùng ở Mỹ của mình.

Trong lúc mở rộng vào mảng TMĐT, Douyin cũng dành nhiều sự quan tâm dành cho mảng kinh doanh đồ ăn. Vào tháng 6/2022, Douyin bắt đầu thu phí dịch vụ đối với coupou sau 2 năm giới thiệu nó với các nhà hàng, quán cá phê. Mảng kinh doanh coupon phức tạp hơn so với mua sắm qua livestreaming và nó đặt ByteDance cạnh tranh trực tiếp với “ông lớn” mảng giao đồ ăn Trung Quốc Meituan.

Đến tháng 8, Douyin công bố hợp tác với Ele.me của Alibaba để triển khai dịch vụ giao đồ ăn cho người dùng của mình. ByteDance cũng được cho là đang ở những vòng đàm phán đầu tiên với Dalian Wanda Group Co để mua lại mảng thanh toán số. Thương vụ này có thể giúp Douyin tiếp cận được hàng triệu khách hàng mua sắm tại các trung tâm thương mại của Wanda.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục